Tại buổi công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 30/11, ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017 sản lượng điện thương phẩm thực hiện 174,6 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN 7,24%, thấp hơn 0,3% so với kế hoạch và thấp hơn 0,33% so với tỷ lệ tổn thất thực tế của EVN năm 2016.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,4 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm qua là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.
Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 220.915,6 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm 1.264,89 đồng/kWh. Giá thành khâu truyền tải điện là 103,05 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối bán lẻ điện là 51.249,16 tỷ đồng, tương ứng giá thành 393,44 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý của ngành điện là 1.115,91 tỷ đồng, tương ứng giá thành chi phí 6,39 đồng/kWh.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2017 EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Bên cạnh đó, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN còn có khoản chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia với 1.940,29 tỷ đồng. Khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071,14 tỷ đồng cũng chưa được tính vào giá thành điện năm 2017. Tổng số tiền chênh lệch tỷ giá chưa được tính đầy đủ vào giá điện trong năm 2017 là hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, đến nay chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Trong đó, cụ thể chênh lệch tỷ giá là 3.071 tỷ đồng. Tiền khai thác nước hơn 500 tỷ đồng. Như vậy, tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện lên tới 10.000 tỷ đồng.
Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN. “Theo quy định, khi chi phí giá thành sản xuất điện cao hơn 3% thì sẽ cân nhắc xem xét cho tăng giá điện theo quy định của Quyết định 24 của Chính phủ”, ông Tuấn nói.