EU sắp công bố sáng kiến cạnh tranh với Vành đai Con đường của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU sẽ tập trung cải thiện kết nối ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU sẽ tập trung cải thiện kết nối ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
TPO - Trong tuần này Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố khuôn khổ mới về đầu tư hạ tầng ở nước ngoài, tập trung vào kết nối kỹ thuật số ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Khuôn khổ mang tên “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway) sẽ nhấn mạnh tính bền vững và các giá trị của EU nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác. Ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khuôn khổ này dự kiến sẽ tập trung vào kết nối kỹ thuật số khi liên minh của 27 quốc gia muốn tăng cường tham gia vào khu vực.

Theo dự thảo mang tên “Chiến lược châu Âu về Đối tác Cửa ngõ toàn cầu”, khuôn khổ mới sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực, với trọng tâm phụ thuộc vào khu vực địa lý: chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng sạch, giao thông, kết nối người dân với người dân, thương mại và các chuỗi cung ứng linh hoạt.

“Những khoản đầu tư này phải có tính toàn diện, bảo đảm và bền vững, với mục đích đưa các quốc gia, xã hội và người dân xích lại gần nhau, hỗ trợ năng lượng xanh và chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp với các giá trị của EU, nhất là về dân chủ, pháp quyền và nhân quyền”, dự thảo viết.

Yếu tố chủ lực trong khuôn khổ dành cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là “quan hệ đối tác kỹ thuật số cùng với các quốc gia cùng chung tư tưởng”, ví dụ như trong thúc đẩy những quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo. EU sẽ khám phá quan hệ đối tác kết nối tiềm năng với ASEAN giống như với Nhật Bản và Ấn Độ.

Sáng kiến được đưa ra khi EU đang thúc đẩy triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương công bố gần đây, trong đó nhấn mạnh việc làm sâu sắc quan hệ với những đối tác cùng chung tư tưởng ở khu vực vì an ninh và thịnh vượng của khối, bao gồm bảo đảm các chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn.

Dự thảo nhấn mạnh EU có lợi ích khi bảo đảm kết nối toàn cầu phát triển “phù hợp với những quy tắc, tiêu chuẩn và giá trị của châu Âu”.

EU cũng muốn “giảm phụ thuộc chiến lược”, hàm ý nói đến việc giảm phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định trong những ngành chủ chốt như thiết bị bán dẫn, sau khi thực trạng này bị phơi bày trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Dự thảo dự kiến sẽ được thảo luận nội bộ và công bố trong tuần này, nghĩa là nội dung và từ ngữ trong văn bản cuối cùng có thể thay đổi.

EU cũng hàm ý bày tỏ hoài nghi đối với mô hình đầu tư hạ tầng ở nước ngoài mà Bắc Kinh đang triển khai, cũng như cho biết ý định của khối về việc tạo ra một lựa chọn thay thế cho phát triển bền vững. EU “nỗ lực thúc đẩy sự minh bạch và cân bằng về đầu tư từ những bên khác, khi họ dùng sự kết nối để thúc đẩy mô hình kinh tế và xã hội khác nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của họ”, dự thảo viết.

Sáng kiến mới sẽ sử dụng nguồn lực từ EU, các quốc gia thành viên và các định chế tài chính phát triển.

Các quỹ công của EU dự kiến sẽ cung cấp tài chính để thực hiện sáng kiến ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu thông qua khuôn khổ đầu tư mới của EU, Quỹ phát triển bền vững châu Âu (EFSD+).

EFSD+ có thể cung cấp nhiều tỷ euro cho các khoản vay hỗn hợp và 40 tỷ euro đầu tư bảo đảm.

Dù không có số liệu công bố chính thức, năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết cung cấp 124 tỷ USD cho BRI.

Tác động của BRI đã được cảm nhận ở châu Âu, khi các khoản đầu tư chảy vào vùng Balkan và Đông Âu.

EU cũng đang bị kéo vào các khoản vay lớn dùng cho những dự án không khả thi về kinh tế liên quan đến BRI. Tháng 4 năm nay, Montenegro khẩn cầu EU giúp trả 1 tỷ USD tiền vay của Trung Quốc để làm một con đường cao tốc.

Theo NK
MỚI - NÓNG