Kiến nghị được đưa ra sau khi EU cử một đoàn nghị sĩ sang Đài Bắc để “học tập kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) trong đối phó với những chiến dịch can thiệp và thao túng”.
Một dấu hiệu thể hiện sự lo ngại ngày lớn đối với Bắc Kinh là báo cáo dự thảo dài 33 trang nhắc đến Trung Quốc 40 lần, hơn gấp đôi số lần đề cập đến Nga, dù trước đây Nga luôn là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại Brussels và các thủ đô khác của châu Âu về vấn đề này.
Báo cáo sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu để tiến hành cuộc bỏ phiếu không ràng buộc vào đầu năm sau.
Trưởng nhóm soạn thảo báo cáo là bà Sandra Kalniete, một nghị sĩ và từng là ngoại trưởng Latvia. Bà Kalniete nói rằng EU đã không thể theo kịp các đối thủ có công nghệ tinh vi. Bà so sánh nỗ lực kiểm soát vấn nạn phát tán tin giả và can thiệp giống như “dùng xe đua để bắt kịp tàu tên lửa”.
Bà kêu gọi EU lập ra cơ chế trừng phạt cụ thể để đối phó với “sự can thiệp và phát tán thông tin sai lệch từ bên ngoài".
Báo cáo cũng nhắc đến việc cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin bị cáo buộc “chủ động thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc ở Pháp” và cựu nghị viên EU người Cộng hoà Séc Štefan Füle làm việc cho CEFC China Energy, một tập đoàn năng lượng nhà nước Trung Quốc.
Báo cáo còn đề cập đến việc hoãn triển lãm về hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn từ thế kỷ 13 tại một bảo tàng ở TP Nantes của Pháp trong năm ngoái. Đơn vị tổ chức nói rằng Trung Quốc đã cố “kiểm duyệt cách thể hiện” các nội dung trong cuộc triển lãm.
Phát biểu trước uỷ ban ngày 10/11, ông Stefano Sannino, tổng thư ký Cơ đối ngoại EU, nói rằng liên minh này cần “tăng cái giá phải trả cho kiểu can thiệp này”. “Chúng ta không thể ngồi yên khi các cường quốc bên ngoài can thiệp vào xã hội của chúng ta”, ông nói.
Phát ngôn viên của phái đoàn Trung Quốc tại EU nói với báo South China Morning Post rằng Bắc Kinh “kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức can thiệp nào vào công việc nội bộ của các nước khác”.
“Tuy nhiên, có một số quốc gia và một số người trên thế giới luôn muốn xuất khẩu giá trị của họ, cố gây ảnh hưởng và thay đổi hệ thống của nước khác cũng như lối sống của người dân nước khác. Những nỗ lực đó sẽ không có tác dụng và sẽ thất bại”, phát ngôn viên nói.