Nạn nhân chạy xe máy trong rừng cao su chẳng may vướng phải dây phơi giăng ngang đường đi khiến đứt đôi khí quản và thực quản nhưng nhìn bên ngoài, vùng cổ chỉ có 1 vết hằn đỏ.
Ngày 3/3, bác sĩ Hoàng Bá Dũng - Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết, bệnh nhân A Tâm (19 tuổi, dân tộc Chăm, quê Ninh Thuận, trú tại Tân Châu, Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng khó thở, cổ sưng to và phập phồng theo nhịp thở.
Bệnh nhân cho hay, vào trưa ngày 26/2, một người bạn chở anh đi làm về bằng xe máy. Người bạn chọn đi ngõ tắt vòng vào rừng cao su (Tây Ninh) để gần hơn. Chẳng may bất ngờ gặp phải sợi dây phơi quần áo bằng kẽm của công nhân rừng cao su giăng ngang. Người bạn ngồi trước tránh được, còn anh Tâm thì lãnh đủ. Anh bị sợi dây kẽm vướng vào cổ hất xuống đất.
Sau tai nạn, tuy trên cổ chỉ có 1 đường hằn đỏ nhưng anh Tâm cảm thấy khó thở, cũng như cổ bắt đầu sưng dần. Anh được đưa thẳng đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng cổ sưng to, phập phồng theo nhịp thở. Ngay lập tức bệnh nhân được mổ cấp cứu.
Khi mở cổ, các bác sĩ thấy khí quản bệnh nhân bị đứt lìa, 1 đoạn tọt lên trên, 1 đoạn tụt xuống dưới, đúng như chẩn đoán ban đầu. Đồng thời, thực quản cũng bị đứt. Bệnh nhân đã được khâu khí quản, thực quản, mở đường thở, mở dạ dày để ăn bằng ống. Hiện tình trạng sức khỏe anh Tâm đã ổn.
Giải thích vì sao đã bị đứt khí quản làm đôi như trường hợp trên mà vẫn có thể sống sót kịp vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ Dũng cho biết, tuy khí quản đã bị đứt lìa thành 2 đoạn, nhưng cơ chế hô hấp vẫn duy trì. Khi thở, không khí đã tràn ra ngoài da gây sưng và cổ phập phồng theo nhịp thở như thường thấy ở loài ếch. Nếu không khí đầy, nó vẫn có thể thoát ra qua đoạn khí quản bên trên. Dẫu sao, theo bác sĩ Dũng, ca này khá may mắn, chưa thuộc dạng quá khó thở, nên đã không tử vong.
“Một di chứng đáng quan ngại đối với trường hợp này đó là nếu liệt dây thần kinh hồi quy, sẽ làm cho thanh quản khép lại làm bệnh nhân khó nói. Sẹo ở khí, thực quản có thể làm sẹo hẹp lại gây không thở được, không ăn được. Trong khi mổ, không thể biết có liệt dây thần kinh hồi quy hay không, phải chờ theo dõi đến đâu, khắc phục đến đó”, bác sĩ Dũng đánh giá.
Theo bác sĩ Lý Xuân Quang - người trực tiếp phẫu thuật cho anh Tâm, đây là ca chấn thương hiếm gặp. Vết thương bên ngoài chỉ có vết hằn, nhưng vẫn có thể đứt khí, thực quản. Do da cổ có sức co dãn, đàn hồi tốt, còn các đường khí, thực quản bên trong “giòn” hơn, dễ gãy. Nếu bị va đập ở cổ mà thấy khó thở, thở như mang ếch, phải theo dõi ngay tình trạng đứt khí quản, tràn khí ở vùng cổ. Đứt thực quản khó phát hiện hơn, phải để ý tình trạng khạc ra máu.
Cũng theo các bác sĩ, vào Mồng 5 Tết Ất Mùi, cũng có 1 ca từ Long An bị TNGT đâm vào xe tải đang đậu bên đường, khiến cổ bị chấn thương nặng. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ nạn nhân bị vết thương hở rất lớn, đứt khí quản làm đôi, nhưng không ảnh hưởng thực quản.