Đường ven sông Hồng ở Hà Nội thiết kế 2 bậc, có cầu như ở Seoul

TPO - Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT thống nhất cùng phối hợp đẩy nhanh quy hoạch hai bên sông Hồng, tạo điều kiện để thành phố phát triển.

Đất mênh mông mà “án binh bất động”

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, để có cơ sơ pháp lý để quản lý dân cư ở bãi sông và sử dụng quỹ đất bãi sông có thể phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đồng thời cụ thể chi tiết các Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai rà soát và hoàn thành đồ án “Quy hoạch phòng chống lũ chi tiêt của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Tuy nhiên năm 2019 do tác động quy định của Luật Quy hoạch và Luật số 35/2018/QH14 nên quy hoạch này đang tạm dừng. Vì thế, thành phố báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét tháo gỡ vướng mắc theo hướng thành phố triển khai trước phương án phòng, chống lũ của thành phố và tích hợp trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời kỳ 2021-2030.

Đường ven sông Hồng ở Hà Nội thiết kế 2 bậc, có cầu như ở Seoul ảnh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay, việc cần thiết của thành phố là phủ kín quy hoạch theo quy hoạch tổng thể Thủ đô hiện có, nhất là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống, sử dụng nguồn tài nguyên bãi ven sông.

Ông Huệ cũng cho rằng, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, vấn đề thoát lũ vẫn là quan trọng nhất. Vì thế, Bộ NN&PTNT cần sớm khẩn trương phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai.

“Thực tế, thành phố đã bỏ lỡ một cơ hội cách đây 3 năm rồi. Chúng tôi mong có hướng dẫn của Bộ, trình Thủ tướng phê duyệt, hoặc có phương án ủy quyền cho thành phố triển khai”, ông Huệ nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Huệ, nếu không làm được quy hoạch thì “cứ để thế này mãi”. “Từ trật tự xây dựng, mỹ quan, đất bãi không ai dám đầu tư. Bởi vì không có quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau đó xóa đi làm lại. Thế thì có ai dám đầu tư. Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Tất cả đều chờ quy hoạch hết. Có đất bãi giữa ở Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được. Án binh bất động hết. Bộ phải nghiên cứu giúp cho thành phố”, ông Huệ nêu.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ, trước đây Hà Nội làm quy hoạch, đã có tư vấn của Viện Quy hoạch Thủy lợi, thống nhất phương án quy hoạch đê kết hợp với đường. Mô hình này được tham khảo từ một số thành phố trên thế giới, rất thuận tiện. “Làm hai bậc. Nước dâng đến bậc thứ nhất thì có thể nâng lên đường thứ 2”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, kết hợp với 3 cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy, tạo ra con đường ngoài đê. Những khu vực hẹp và cao như đoạn qua Cảng Hà Nội có thể làm cầu vượt dọc theo taluy như sông Hàn của Hàn Quốc.

“Làm con đường song song chạy từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy hai bên bờ sông. Thống nhất cao độ là 13,2 mét, đảm bảo thoát lũ tần suất 500 năm”, ông Chung chia sẻ.

Cùng vào cuộc làm ngay

Trao đổi tại cuộc làm việc, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Bộ NN&PTNT cho biết, Quyết định 257 đã tính toán an toàn chống lũ tần suất 500 năm, cao độ đê 13,4 mét, lương lượng thoát nước qua mặt cắt sông Hồng tại Hà Nội là 20.000 mét khối/ giây. Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 257, Bộ đã ban hành hướng dẫn cho các tỉnh, thành trong khu vực hạ du, phổ biến chi tiết các khu vực nào phải di dời, khu vực nào được tồn tại.

Đường ven sông Hồng ở Hà Nội thiết kế 2 bậc, có cầu như ở Seoul ảnh 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc

“Hà Nội bị chậm trễ và lỡ nhịp. Hiện quy hoạch 257 không còn ở trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nữa. Theo quy định của luật Quy hoạch và Quyết định 13 sửa đổi, bổ sung thì Quy hoạch chi tiết phòng chống lũ các tuyến sông có đê nằm trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Hoài thông tin.

Theo ông Hoài, đến nay, đơn vị chưa nhận được thông tin từ phía Hà Nội. Ông Hoài thúc giục Hà Nội phải gửi ngay để đơn vị thẩm định.

“Về việc cải tạo, chỉnh trang bãi sông, Bộ thực sự cũng rất muốn. Bản thân chúng tôi cũng mong muốn làm sao phát triển được bãi sông, đúng luật pháp. Mỗi lần đi kiểm tra bãi sông, thấy những tồn tại không thể để mãi được. Nhưng để đảm bảo được việc này, Hà Nội phải xây dựng phương án phòng chống lũ nằm trong quy hoạch phát triển Thủ đô và chuyển sang Bộ NN&PTNT thẩm định”, ông Hoài nói. Riêng về việc đẩy nhanh sửa chữa một số trụ sở, trường học vùng ngoài đê, ông Hoài cho biết, sẽ thành lập tổ công tác, phối hợp với Hà Nội, triển khai nhanh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Quyết định 257 là cơ sở, là gốc của vấn đề, bảo vệ vùng hạ du, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội ở hai phương diện, một là cố gắng đưa cốt đê là 13,4 mét, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng lõi của Thủ đô; hai là đảm bảo mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng ở HàN ội là 20.000 mét khối/giây.

“Từ hai nguyên tắc này phải rà soát lại, từ đó chỉnh trang lại chứ không để phát triển tự phát, cản trở dòng chảy; hai là tận dụng tài nguyên, có những chỗ xây dựng thiết chế hạ tầng dịch vụ, đảm bảo an sinh vì theo điều tra, có tới 900 nghìn người ở khu vực này”, ông Cường nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ cử lực lượng khoa học, các viện thuộc Bộ phối hợp với Hà Nội rà soát lại, những gì bức xúc nhất thì làm trước, đồng thời, thuê tư vấn tốt nhất để đánh giá, đảm bảo hai nguyên tắc cốt lõi là “13,4 mét và 20.000 mét khối/giây”. “Tinh thần là làm nhanh. Kể cả yêu cầu các viện vào cùng. Hà Nội phải cầm trịch việc này”, ông Cường nói.

MỚI - NÓNG