Chúng tôi ngồi tới 2 giờ sáng mà mưa không dứt, những câu chuyện về nghệ thuật của Dương Thụ cuốn hút chúng tôi và làm tôi liên tưởng đến con chim họa mi núi rừng với tiếng hát át tiếng mưa.
Nhà tổ chức nghệ thuật
Anh Dương Thụ nói với tôi anh có cái máu tổ chức trong người, đây không phải là tổ chức cán bộ gì cả mà là tổ chức nghệ thuật. Anh mong muốn góp sức mình vào sự phát triển nghệ thuật chung. Anh nói: “Hồi trước, tớ làm bầu sô đấy”. Tôi không ấn tượng lắm với hai tiếng “bầu sô”, anh em thường cho rằng đấy là nghề sống dựa vào tiếng tăm nghệ sĩ, lắm khi kiếm ăn dựa vào danh tiếng họ. Dương Thụ nghĩ khác, anh kể: “Hồi mới giải phóng, rất nhiều nhạc sĩ cũ của miền Nam muốn giao lưu với khán giả, nhưng lại ngại ngần, cơ chế chưa thông thoáng như bây giờ. Mình bèn đứng ra tổ chức cho họ”. Cách đây 30 năm, chính anh là người chủ xướng và trực tiếp làm tổng đạo diễn điều hành chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, nối nhịp cầu âm nhạc hai miền Nam- Bắc, một chương trình anh gặp không ít “rắc rối”. Anh kể: “Có ông nhạc sĩ được công bố tác phẩm và gặp gỡ khán giả, cứ tấm tắc cám ơn bộ ngành đã quan tâm đến ông ấy, nào đâu biết là Dương Thụ đã vất vả thế nào mới làm nên một chương trình như vậy!”.
“Ưu điểm lớn nhất của Thụ, theo tôi, là anh có cái nhìn trẻ thơ trong sự vật. Anh mở mắt to tròn nhìn chim họa mi trong khi kẻ khác ở thế hệ anh giương mắt nhìn đại bàng hay nhìn quạ”.
Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét
Cái tài tổ chức của Dương Thụ sau này tôi mới trực tiếp chứng kiến. Đấy là lúc anh tổ chức không gian văn hóa Cà phê thứ Bảy thuộc chuỗi quán cà phê Trung Nguyên. Thú thực, tôi không tin lắm vào thành công của anh vì hai lẽ, một là văn chương nghệ thuật bây giờ không hút khách như ngày xưa, hai là các doanh nghiệp thường chỉ mượn văn hóa đánh bóng thương hiệu rồi lại quẳng văn hóa đi. Tuy vậy, tôi vẫn đến dự nhiều chương trình tại Cà phê thứ Bảy. Một lần, sáng Chủ nhật nghe anh gọi điện thoại bảo: “Hôm nay có cái này hay lắm!”. Tôi tới nơi, hóa ra nhà thơ Nguyễn Đỗ từ nước ngoài về cùng với ?Nhà thơ Paul Hoover hậu hiện đại lừng lẫy của Mỹ. Chúng tôi, Dương Thụ, Lý Đợi, tiến sĩ Từ Huy… được trực tiếp trò chuyện cùng Paul Hoover, một trong những “tượng đài sống” của thơ hiện đại Mỹ và cũng là người cùng Nguyễn Đỗ dịch thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Anh.
Đến nay, Cà phê thứ Bảy vẫn tồn tại, thậm chí chuyển đến vị trí trung tâm hơn, rộng rãi hơn, các đề tài thảo luận còn rộng hơn trước: từ kiến trúc, kinh tế, dịch thuật, văn học. Cuộc nào Dương Thụ cũng tham gia làm diễn giả cả!
Kết nối hai miền
Dương Thụ nhiều thâm cung bí sử. Anh là một trong những nhạc sĩ miền Bắc đầu tiên chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp, mặc dù anh sinh ra ở giữa Hà Nội thủ đô. Anh bảo: “Lúc mới vào Sài Gòn, tớ vất vả lắm, phải làm đủ mọi việc để kiếm sống”. Tôi rất yêu thích bài hát “Mong về Hà Nội” của Dương Thụ, bài hát ấy ngắn gọn, như một bài thơ nhỏ, mà chứa đựng trong đó tình cảm tưởng như vô tận. Những câu:
Tôi mong về Hà nội
Để nghe gió sông Hồng thổi
Để thương áo len cài vội
Một chiều đông rét mướt
Nhạc sĩ Dương Thụ
Tôi hồn nhiên khen bài viết hay, miêu tả hình ảnh người xa Hà Nội thật là đúng. Anh mới tặc lưỡi bảo: “Nghĩ sao thì viết vậy thôi, chứ có sáng tác thêm thắt gì đâu. Lúc ấy vào Sài Gòn đã mấy năm, kinh tế vất vả quá, không biết khi nào mới về được Hà Nội. Nghĩ về Hà Nội thấy xa xôi lắm”. Từng lời hát, từ nốt nhạc trong bài hát cứ như cứa vào trái tim người ta vậy.
Những phố phường rất xưa của
Hà nội
Những Hàng Đào, Hàng Ngang,
Hàng Vải
Những phố phường dọc ngang
lối cũ
Những mái nhà ngẩn ngơ
nỗi nhớ trên từng viên ngói vỡ
Khi tôi còn sống ở Hà Nội, thường nghe những bạn bè như nhạc sĩ Anh Quân, Mỹ Linh nói về Dương Thụ như một người anh ở xa. Không phải ai khác, Dương Thụ khi đã nổi tiếng trong Sài Gòn, lại quay ra Hà Nội với các dự án kết hợp với các ca sĩ Hà Nội, giới thiệu họ cho khán giả miền Nam. Anh tổ chức và tham gia nhiều chương trình với Thanh Lam, Mỹ Linh, Anh Quân, Tùng Dương, Bằng Kiều, Lệ Quyên… Khi ở Sài Gòn, anh chơi rất thân với bạn bè cùng lứa như Trần Tiến, Phú Quang, hay kết giao cùng Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ đàn anh của Sài Gòn. Anh như con họa mi, với vừa Sài Gòn đã ra Hà Nội. Tết Dương lịch 2015 này, gọi điện thì anh bảo: “Cùng bạn bè đi đón Tết ở Tây Bắc, chưa về Sài Gòn được”.
Dương Thụ là người bảo thủ trong quan niệm nghệ thuật của anh. Một lần trả lời phỏng vấn, phóng viên làm phật ý, anh nổi cáu, bảo: “Tôi không muốn trả lời phỏng vấn của cô nữa”. Nhưng ngoài giá trị nghệ thuật, anh không quan tâm đến chiều kích nào. Tôi dự một buổi ra mắt CD của anh bằng tiếng Anh. Dương Thụ mời ca sĩ hát nhạc Jazz nổi tiếng, đang hát ở các phòng trà tại quận 1 (nhưng hầu như vô danh với người Sài Gòn) và 2 người bạn của cô là Paul Langosch và Mario Trane, thậm chí họ từng đoạt giải Grammy và đang sang Việt Nam du lịch. Tất cả cùng ngồi lại với nhau để thực hiện CD tiếng Anh của Dương Thụ.
Văn đi cùng nhạc
Dương Thụ cùng lứa với các nhạc sĩ tài năng như Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến… song vẻ như anh nổi trội hơn tất cả về khiếu văn chương. Bằng chứng là anh viết khá nhiều tác phẩm văn chương, in ấn và bán khá chạy. Những bài tùy bút của anh cũng nhiều chất thơ. Số là Dương Thụ nguyên học khoa văn của Đại học sư phạm Hà Nội, trước khi học Nhạc viện Hà Nội. Người ta nói rằng anh là hậu duệ của thi sĩ Dương Khuê nổi tiếng thời phong kiến. Việc Dương Thụ viết văn bởi vậy không phải chuyện mới. Anh viết lời cho một số ca khúc của các bạn trẻ như một dự án thực sự nghiêm túc, kết hợp văn học với âm nhạc.
Cái ngược đời của Dương Thụ là anh làm nhiều việc, cầm mic làm M.C cho đủ loại chương trình tại Cà phê Thứ Bảy, nhưng anh viết nhạc lại cầu kỳ đến từng nốt và việc công bố tác phẩm với anh là điều lớn lao.
Với mối quan hệ của mình, lại “cầm chịch” nhiều chương trình âm nhạc lớn, hẳn muốn giới thiệu tác phẩm mới không phải chuyện khó, nhưng người ta rất hiếm thấy anh đưa ra tác phẩm. Sự khiêm nhường và chỉn chu trong nghệ thuật là đức tính nổi bật của Dương Thụ, tôi chưa bao giờ thấy anh đề cập đến vấn đề số lượng trong sáng tác. Các sáng tác của anh như Mặt trời êm dịu, Bài hát ru cho anh, Tiếng sóng, Tháng tư về, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày, Hơi thở mùa xuân, Họa mi hót trong mưa, Nghe mưa, Gọi anh, Bài hát ru cho anh… nghe ra thì biết là Dương Thụ sáng tác, nhưng chúng lại khác nhau, mỗi bài một vẻ.
Tôi thấy anh Dương Thụ không tuổi. Ở cái tuổi 70, anh chẳng bao giờ kẻ cả với chúng tôi mà anh cũng chẳng nể nang gì những bậc đàn anh. Với Dương Thụ thì có lẽ anh chỉ nể phục con chim họa mi kiên trì hót, bất chấp mọi cơn mưa.
Tôi cứ nhớ mãi đêm ăn ốc nóng trên phố làm đàn, chúng tôi ngồi giữa những người tứ phương đêm hôm dạt vào hè phố trong cơn mưa tầm tã. Nói chuyện về nghệ thuật không một phút ngừng nghỉ. Cuộc sống bụi bặm dân dã lại hấp dẫn Dương Thụ hơn những ánh đèn màu rực rỡ hoành tráng mà chính anh thường tạo ra.
1/2014
Đừng bao giờ trông đợi
Nhạc sỹ Dương ThụKhi không gian văn hóa Cà phê thứ Bảy được mở ở Hà Nội, ca sĩ Mỹ Linh đã khóc khi chia sẻ, việc cô tham gia giảng dạy cũng như huấn luyện cho các gương mặt trẻ trong thời gian gần đây cũng chính là điều NS Dương Thụ chỉ cho cô những ngày mới vào nghề, điều đó cho thấy anh đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ trẻ như thế nào. Ấy vậy mà bản thân cuộc đời mình, Dương Thụ hầu như không nhờ vả ai. Các chương trình, các dự án, đều do anh nghĩ ra, đề xuất, thực hiện với mọi sự nỗ lực và hoài vọng. Không gian Cà phê thứ Bảy hay các chương trình nghệ thuật khác cũng thế cả. Một mình Dương Thụ vẫn miệt mài đưa ra ý tưởng và tự mình thực hiện luôn các ý tưởng đó mà không bao giờ dừng lại.Một lần, khi phát biểu về các nghệ sĩ đương đại, anh nói đại ý rằng: các nghệ sĩ hiện nay vẫn chờ đợi sự ghi nhận của công chúng quá nhiều, các bạn hãy coi sáng tạo nghệ thuật như một khát khao tự thân và hãy tránh xa những hào quang.
Quả thật, Dương Thụ rất hiếm khi xuất hiện trên báo chí, đặc biệt là nói về bản thân. Anh thường chỉ gặp gỡ báo chí vào những dịp giới thiệu chương trình hay dự án và nói về chúng với vẻ khiêm tốn cũng như một sự mệt mỏi khá là thấm đẫm. Ngay sau đó không lâu, anh lại xuất hiện ở một dự án khác.