Nhạc sĩ Dương Thụ tỏ ra rất am hiểu bóng đá. |
Cảm nhận về một vị nhạc sĩ có cái nhìn thấu hiểu cặn kẽ, giải thích chính xác những vấn đề bóng đá đã đeo theo tôi trong những lần gặp gỡ từ cách đây 5 năm. Ngày ấy, trong căn nhà vườn ở quận 8-TP.HCM, Dương Thụ đã nói say sưa về niềm đam mê bóng đá, về Thể Công, về Công an Hà Nội, về tâm lý cầu thủ trong trận đấu…
Tất cả những cảm giác ấy sống lại trong lần trò chuyện mới nhất với nhạc sỹ trong dịp gần Tết Tân Mão này…
Vì sao khán giả vắng?
“Người mình ăn Tết Nguyên đán hơi lâu. Tiếng là có 3 ngày Tết nhưng người ta có thể kéo đến nửa tháng. Ngày Tết, người ta thường dành thời gian cho gia đình, những mối thâm giao, nên thời gian này những hoạt động sinh hoạt văn hóa, tinh thần đều khó hút khách.
Quán cà phê của tôi ở TP.HCM, tôi cho đóng cửa nghỉ 3 tuần liền. Ngày Tết, chẳng những sân bóng mà tụ điểm ca nhạc cũng rất khó thu hút người xem. Tổ chức chương trình vào dịp này, những nhà tổ chức luôn phải tính kỹ, nếu không là lỗ vốn. Bóng đá và ca nhạc là 2 lĩnh vực thu hút công chúng nhiều nhất đều cự không lại với Tết. Cái này tôi nói từ kinh nghiệm bản thân.
Những tụ điểm ca nhạc ở TP.HCM từ những năm 1980 đến nay thường ngày Tết chỉ mời ca sĩ đến để trả lương chứ hát hò chẳng mấy người xem. Phải từ mùng 7 trở đi mới lác đác có khách”.
Bóng đá của đối tượng nào?
Giải thích vì sao ngày Tết, người ta vẫn đi xem phim trong khi bóng đá không hút được khách, nhạc sĩ Dương Thụ giải thích: “Thật ra một rạp chiếu phim mỗi lần có khoảng 100 khán giả vào xem là cao. Xem phim rạp không thể đông đảo, mang tính đại chúng như ca nhạc hay bóng đá. Một trận bóng có thể thu hút tới vài chục ngàn khán giả là bình thường.
Trong 100 khách vào rạp xem phim, phần lớn đều ở tuổi teen. Cứ nhìn chủ đề phim Tết lúc này là phim hài, kinh dị, phim 3D hoặc phim học đường thì biết.
Bóng đá lại không thể nhắm tới đối tượng tuổi teen được. Tuổi teen mê bóng đá, không có bóng bện vải thành quả bóng để đá. Tuổi teen thích hành động, tự đá bóng, còn bảo họ bỏ tiền vào sân xem bóng đá, ủng hộ đội bóng thì lại hiếm.
Đối tượng của sân bóng và sân khấu ca nhạc là những người trưởng thành, trung niên, thường xuyên bị sức ép công việc và có nhu cầu giải thoát tâm hồn khỏi những căng thẳng, lo toan đời thường. Những đối tượng này thì bận bịu lo toan ngày Tết nên việc khán đài trống vắng cũng không có gì lạ.
Việt Nam chẳng phải là ngoại lệ. Hãy nhìn các khán đài ở nước ngoài rồi cảm nhận xem tôi nói đúng hay sai. Mỗi thú chơi phải hướng đến một đối tượng nhất định. Ví như dân chơi mô-tô ở nước ngoài chẳng hạn, tầm trung niên, râu ria tua tủa chứ loại choai choai lại rất ít khi chơi”.
Lương “dị” có bằng Sơn “công chúa”?
“Tôi nghĩ lứa cầu thủ trong tay HLV Calisto ở AFF Suzuki Cup 2010 không bằng so với những lứa trước. Việt Thắng không bằng Văn Quyến, Công Vinh. Quyến cứ lững thững, vật vờ nhưng khi bóng vào chân thì rất nguy hiểm.
Minh Phương cực hay nhưng không thể thay thế Quốc Vượng được. Phương chơi bóng kiểu nghệ sĩ, gặp mấy đội có thể hình to cao sẽ bất lợi. Vượng thì tả xung hữu đột và người ta cần có người như thế để làm vỡ ra những khoảng trống.
Đến như Huy Hoàng bây giờ cũng không khủng khiếp như Huy Hoàng trước kia vì tuổi tác. Còn Lương “dị” cũng hay đấy nhưng chưa so với Hồng Sơn thời trước được. Sơn “công chúa” vừa quái, kỹ thuật lại siêu đẳng.
Với từng ấy “nguyên liệu”, HLV Calisto vẫn tạo nên một tập thể mạnh, các cá nhân trong tập thể ấy chơi bóng rất đường nét. Dụng người như ông ấy là quá tuyệt vời”…
Đã được hầu chuyện với nhiều văn nghệ sĩ yêu bóng đá. Nhưng Dương Thụ chinh phục người nghe bởi ông biện giải những vấn đề của bóng đá hết sức khúc triết. Hy vọng sẽ còn được tiếp chuyện ông trong một dịp khác.
Theo Báo Bóng Đá