Đường sắt Bắc-Nam: Nâng cấp cũ hay làm cao tốc mới?

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn nhiều ý kiến tranh luận về Việt Nam nên đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay nâng cấp đường sắt hiện hữu.
Vẫn nhiều ý kiến tranh luận về Việt Nam nên đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay nâng cấp đường sắt hiện hữu.
TPO - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thống nhất với tư vấn đề xuất phương án đầu tư đường sắt Bắc – Nam trong tương lai sẽ là đường sắt cao tốc. Trong khi Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) cùng một số chuyên gia lại nghiêng về phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu lên đường đôi để chạy tàu nhanh hơn, trước khi nghĩ tới đầu tư mới.

Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trình Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ KH&ĐT – cơ quan thường trực của hội đồng, đã nêu quan điểm cần bổ sung phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu, bên cạnh phương án đầu tư mới. Để từ đó, Hội đồng có cơ sở đưa ra đánh giá.

Theo phương án trước đó Bộ GTVT xây dựng, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đầu tư mới, trước mắt với đoạn Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang. Vận tốc thiết kế 350 km/h, vận tốc khai thác 320 km/h điện khí hóa, chỉ chở khách. Còn đường sát hiện hữu được nâng cấp chỉ chở hàng. Tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD

Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu, khai thác chung tàu hàng và tàu khách, tốc độ chạy tàu từ 160 – 200km/h.

Thực hiện yêu cầu trên, tư vấn đã bổ sung thêm phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và trình Bộ GTVT.

Theo phương án bổ sung, đường sắt hiện hữu được nâng cấp lên khổ ray 1.435mm, đường đôi, điện khí hóa, khai thác chung tàu hàng và tàu khách, tốc độ dưới 200km/h. Phương án này, tư vấn đánh giá, sẽ phải giải phóng mặt bằng rất lớn, vì tuyến đường sắt hiện hữu đi qua nhiều khu đô thị, khu dân cư. Cùng với đó, sẽ phải nâng cấp, bổ sung thêm 20 ga hàng, 74 ga xép tránh tàu, 4 điểm depot tàu hàng… Tổng chi phí dự kiến khoảng 56,7 tỷ USD.

Nếu làm đường sắt tốc độ dưới 200km/h chạy riêng khách và hàng, sẽ cần vốn đầu tư khoảng 46 tỷ USD, trong khi làm đường sắt tốc độ cao chạy 350km/h cao hơn 15 tỷ USD.

Từ các phân tích trên, tư vấn tiếp tục bảo lưu quan điểm nên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tuyến đường mới, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuyến đường sắt được lựa chọn đầu tư mới hoàn toàn, đi qua 20 tỉnh thành, kết nối Hà Nội - TPHCM. Dự án được thiết kế tốc độ 320km/h, tốc độ khai thác 320km/h. Tổng vốn đầu tư dự kiến trên 58,71 tỷ USD.

MỚI - NÓNG