Phấn đấu hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam năm 2050

Đường sắt tốc độ cao (ảnh minh họa)
Đường sắt tốc độ cao (ảnh minh họa)
TPO - Nghiên cứu, triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, làm mới các tuyến đường nối với các cảng biển, khu công nghiệp và phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào năm 2050.

Chiều 28/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện "Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050".

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường sắt là một trong những ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần ưu tiên phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại, bền vững.

Giai đoạn đến 2030, tiếp tục nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... Nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến nối với các cảng biển, khu công nghiệp, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Bên cạnh đó, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển.

 Phấn đấu hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam năm 2050 ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về đường sắt

Bộ GTVT đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết riêng về định hướng phát triển đường sắt. Trong đó, tiếp tục nhất quán quan điểm phát triển đã nêu tại Kết luận số 27 để định hướng Chính phủ triển khai thực hiện.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước. Hệ thống đường sắt hiện có phải cải tạo nâng cấp như đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hệ thống đường sắt đô thị tiếp tục xây dựng theo quy hoạch…, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng cũng khẳng định, không gian mở rộng hệ thống đường sắt Việt Nam còn nhiều, một đất nước không thể không có hệ thống đường sắt, nhất là có bờ biển trải dài trên 3.000 km.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên tỉnh, liên vùng, đô thị. Từ đó, Thủ tướng lưu ý cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là làm chủ công nghệ mới, những công trình cụ thể, phương án huy động vốn.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.