Đại biểu Quốc hội:

'Dường như Trung ương vẫn cố vươn tay xuống địa phương'

ĐBQH Bùi Huyền Mai
ĐBQH Bùi Huyền Mai
TPO - “Dường như các bộ ngành T.Ư vẫn đang cố vươn cánh tay rất dài đến hoạt động của các địa phương. Điều này dễ dẫn tới hạn chế tính chủ động trong điều hành của chính quyền địa phương, nhất là các địa phương đã chủ động cân đối được ngân sách”, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai (Hà Nội) nêu ý kiến.

Chiều 24/5, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Viết Lượng của đoàn Bình Phước cho rằng, trong báo cáo tổng kết sửa đổi luật nhấn mạnh đến tình trạng chức năng có chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, bộ máy nhưng đề xuất sửa đổi “rất mờ nhạt”.

“Thực tế hiện nay, có nhiều vấn đề bức xúc mà trong thẩm quyền bộ, ngành có thể giải quyết được. Nhưng rồi nhiêu khê, cuối cùng “đẩy” việc lên tới Thủ tướng mới giải quyết được. Bên cạnh đó, tình trạng đã phân cấp rồi nhưng tỉnh vẫn phải xin ý kiến bộ; bộ lại gửi xin ý kiến các bộ khác nữa, thành thử gây tốn kém, phiền hà, mất thời gian”, ông Lượng phản ánh.

Cùng chung quan điểm, ĐB Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cho biết, việc phân cấp và uỷ quyền từ T.Ư đến địa phương là vấn đề không mới, đặt ra nhiều năm nhưng vẫn chồng lấn, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền trong cùng một vấn đề và chưa được khắc phục.

“Dường như các bộ ngành T.Ư vẫn đang cố vươn cánh tay rất dài đến hoạt động của các địa phương. Điều này dễ dẫn tới hạn chế tính chủ động trong điều hành của chính quyền địa phương, nhất là các địa phương đã chủ động cân đối được ngân sách”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, điều này hoàn toàn không phù hợp với Nghị quyết T.Ư, trong đó nhấn mạnh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, việc không phân cấp, phân quyền rõ ràng đã dẫn đến tình trạng chồng chéo, lãng phí, dồn việc cho T.Ư. Bên cạnh đó, cơ cấu chính quyền hiện nay mang tính cào bằng nên chưa tạo được động lực cần thiết cho đơn vị, địa phương có điều kiện phát triển.

“Mô hình tổ chức chính quyền không phải đặc ân cho địa phương. Quan trọng là nếu tổ chức phù hợp từng địa phương, từng mô hình nông thôn, thành thị, hải đảo sẽ tạo cho địa phương phát triển, góp phần cho đất nước phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, bà Tâm nêu.

Cho rằng, việc phân quyền phân cấp cho chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết, song theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. HCM), dự thảo luật lại chưa quy định rõ điều này. 

“Có những tỉnh quy mô dân số nhiều, trên 5 triệu người, nhưng có tỉnh quy mô dân số chỉ 300.000 người. Thế nhưng, tỉnh có quy mô 300.000 dân bố trí bộ máy ngang như các đơn vị đã thu, nộp và cân đối được ngân sách hay có quy mô dân số cao hơn", ông Lộc đặt vấn đề và đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ vấn đề trên.

MỚI - NÓNG