Đại biểu Quốc hội:

Kỷ luật cán bộ: 'Từ cảnh cáo chuyển sang ngay cách chức thì nặng quá'

ĐBQH Trần Thị Phương Hoa. Ảnh:QH
ĐBQH Trần Thị Phương Hoa. Ảnh:QH
TPO - “Nếu một người đang ở vị trí cấp trưởng nào đó bị giáng chức vẫn có thể xuống cấp phòng, thì cũng hợp lý, chứ nếu một người đang đứng ở vị trí rất cao xuống luôn thì rất là nặng”, ĐBQH Trần Thị Phương Hoa nói.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức vẫn là các kiểu cũ, và thực tế cho thấy nó không hiệu quả.

Bà Khánh dẫn chứng trường hợp ở Thanh Hóa, vi phạm ầm ĩ, bổ nhiệm người này người kia, sai phạm đến mức T.Ư phải kỷ luật, vậy mà lánh đi một thời gian rồi lại trở về làm lãnh đạo đơn vị khác.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Đoàn Hà Nội) không đồng tình với việc bỏ hình thức giáng chức trong kỷ luật cán bộ, công chức dính sai phạm. Theo bà Hoa, nếu từ cảnh cáo mà chuyển sang ngay cách chức thì quá nặng.

“Nếu một người đang ở vị trí cấp trưởng. Khi bị kỷ luật, nếu giữ hình thức giáng chức thì vẫn có thể xuống cấp phòng, và như thế cũng hợp lý. Chứ người ta đang đứng ở vị trí rất cao mà bị kỷ luật xuống luôn thì rất là nặng”, bà Hoa nói, đồng thời đề nghị giữ lại hình thức giáng chức để phù hợp với những vi phạm chưa đến mức bị cách chức. 

Liên quan đến hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, ĐB Phạm Quang Thanh (Đoàn Hà Nội) đề nghị bám sát các quy định của Đảng, đặc biệt quy định 102 vừa qua của Bộ Chính trị vì liệt kê rất rõ các hình thức xử lý, lỗi vi phạm của các bộ công chức.

Theo ông Thanh, công chức có vị trí chức vụ mà bị kỷ luật thì 99,9% là Đảng viên, bao giờ cũng phải thi hành hai bên. Mà dẫn đến trường hợp hai bên (Đảng và Chính quyền) vênh nhau "là rất lúng túng".

“Bên chính quyền thì hội đồng kỷ luật bỏ phiếu, bên Đảng thì cấp ủy cấp trên xử lý. Nó vênh nhau, nhiều lúc rất khó”, ông Thanh nói.

Theo đó ông cho rằng việc quy định các lỗi vi phạm, hình thức xử lý, thời hiệu xử lý cần phải bám với quy định của Đảng.

“Có trường hợp người ta vi phạm cách đây 5 – 7 năm rồi xử lý về mặt chính quyền không được vì quá thời hiệu quy định là 24 tháng. Quay sang kỷ luật cấp ủy thì có những trường hợp thời điểm họ ký thì chưa phải là đảng viên nên không biết xử lý kiểu gì. Quy định của Đảng vẫn còn thời hiệu, nhưng lật lại hồ sơ thì lúc đó người ta chưa phải là đảng viên. Cái này cũng là cái rất lúng túng”, ông Thanh lấy ví dụ đồng thời đề nghị cần cụ hoá những quy định xử lý cán bộ của Đảng trong luật.

Ông Thanh cho hay, thực tế câu chuyện xâm phạm rừng Sóc Sơn vừa qua huyện này đã phải kỷ luật rất nhiều cán bộ tuy nhiên do quy định xử lý giữa cấp uỷ và chính quyền khiến việc này gặp nhiêu lúng túng. “Cơ chế giám sát của mình về hình thức thì rất là mạnh, cấp ủy, UBKT, các sở ban ngành thanh tra... nhưng mà lỗi vi phạm thường xảy ra lâu rồi. Ở Sóc Sơn có người thay đổi 3 vị trí rồi quay lại kỷ luật vị trí cách đây gần 10 năm rồi thì rất khó và lúng túng chưa kể là người còn đang làm việc, người đã nghỉ hưu”, ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG