Yonhap News mở đầu bài viết: “Trong danh sách các đội dự World Cup lần này, chỉ có 2 cầu thủ đến từ Chinese Super League. So với 9 cầu thủ ở Cúp thế giới lần trước thì số lượng và chất lượng đều giảm mạnh. Điều đó cho thấy sự đi xuống nhanh chóng của giải VĐQG xứ tỷ dân.
Trung Quốc từng hô hào “đưa nền bóng đá trỗi dậy”. Nhưng họ đang phải đối mặt với thực tế phũ phàng. Thực tế ấy được phản ánh tại World Cup ở Qatar khi họ chỉ còn 2 cái tên có trong danh sách các đội dự giải. Nếu so với giải VĐQG Hàn Quốc, rõ ràng con số đó thua xa (14 cầu thủ đi Qatar)".
Yonhap News cho rằng bóng đá Trung Quốc quá ỷ lại vào nguồn tiền của các tập đoàn lớn. Thế nên khi kinh tế khó khăn, bóng đá đã thấm đòn đau: “Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh vào bóng đá vào năm 2015. Để cải thiện thành tích của đội tuyển quốc gia, Chinese Super League đã giới thiệu nhiều cầu thủ và huấn luyện viên ngôi sao, đặc biệt là các cầu thủ Brazil.
Tiền vệ Son Jun-ho của ĐT Hàn Quốc đang khoác áo Shandong Luneng |
Trong giai đoạn này, Hulk, Oscar, Pato, Paulinho đã xuất hiện. Các ngôi sao châu Âu như Witsel và Carrasco cũng chuyển đến giải VĐQG Trung Quốc thi đấu.
Tuy nhiên, sau vài năm, trình độ của bóng đá Trung Quốc không những không được cải thiện mà còn đi xuống. Trong khi đó, những ngôi sao từng hoạt động ở Super League cũng ra đi. Khủng hoảng tài chính của công ty mẹ khiến nhiều CLB Chinese Super League không thể giữ chân các ngôi sao của họ.
Do đó, tính cạnh tranh của Chinese Super League đương nhiên giảm mạnh. Ban đầu Chinese Super League sẽ có 4 đội tham dự AFC Champions League 2022, nhưng hàng loạt cái tên rút lui, các đội khác thì góp mặt cho có.
Ngoài ra, số lượng cầu thủ Super League tham dự World Cup năm nay cũng sụt giảm thảm hại: Khác hẳn với K-League (14 cầu thủ) và J-League Nhật Bản (10 cầu thủ), giải VĐQG Trung Quốc chỉ có thể đóng góp Son Jun-ho của Shandong Taishan và Christian Bassogog của Shanghai Shenhua. Thực ra, cả hai cũng chỉ có vé theo diện vớt. So với 9 cầu thủ dự World Cup 2018 tại Nga, đây là một thực tế tồi tệ".