Dung Tấn Trung - Tỷ phú từ 2 USD

TP - Doanh nhân Dung Tấn Trung đặt chân lên đất Mỹ chỉ với 2 USD trong tay cùng vốn tiếng Anh bập bẹ. Nhờ ý chí không khuất phục và tư duy tiên phong, ông thành tỷ phú khi mới 32 tuổi.

1. Ði lên từ 2 bàn tay trắng

Dù là tỷ phú, nhưng ở ông không có sự bóng bẩy, bệ vệ. Ông luôn xuất hiện với áo phông, quần kaki. Ông đặc biệt lôi cuối trong cách nói chuyện gần gũi, dí dỏm và không bao giờ nhận mình là tỷ phú. Chia sẻ những thành công và thất bại trong đời, Dung Tấn Trung nói rằng, tất cả chỉ để tham khảo, không phải nguyên lý cho thành công.

Ông nhớ lại năm 1985, khi đặt chân lên đất Mỹ mới 18 tuổi. Một năm sau, ông thi vào Ðại học Massachusetts (Boston). Ðể có tiền ăn học và giúp đỡ gia đình, Dung Tấn Trung phải làm thêm 30 giờ mỗi tuần, từ rửa bát tới làm kỹ thuật viên máy tính. Hằng tháng, ông trích 1/3 số tiền kiếm được gửi về gia đình.

Ba năm sau, Dung Tấn Trung tốt nghiệp cử nhân. Sau đó tiếp tục lấy bằng thạc sĩ. Khi đang làm luận án tiến sĩ gia đình gặp khó khăn, Dung Tấn Trung phải dừng việc học để đi làm lấy tiền hỗ trợ gia đình nơi quê nhà. Tới năm 1992, ông hoàn tất chương trình tiến sĩ khoa học máy tính.

Dung Tấn Trung - Tỷ phú từ 2 USD ảnh 1

Tỷ phú Dung Tấn Trung khởi nghiệp chỉ với 2 USD. Ảnh: L.H.V.

Năm 1994, Dung Tấn Trung được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng, phụ trách biên soạn phần mềm điện tử cho Cty Open Market Inc. Ðang làm công việc nhiều người mơ ước, ý tưởng kinh doanh bất ngờ tới với Dung Tấn Trung khi tham gia hoạt động từ thiện tại chùa Boston. Khi đó, danh bạ điện thoại được đưa lên máy tính, sư trụ trì nhờ ông tra theo đó tìm địa chỉ cộng đồng người Việt tại Boston để gửi thư mời mỗi khi chùa có lễ.

“Lúc đó tôi nảy ý tưởng viết một phần mềm tự động tổng hợp danh sách người Việt đưa về máy tính thay cho làm thủ công. Tôi viết chương trình mất gần 3 ngày”, ông nhớ lại. Từ khởi đầu này, Dung Tấn Trung nảy ý tưởng về chương trình tự động tổng hợp thông tin từ các nguồn trên internet theo yêu cầu người sử dụng.

Ðể triển khai ý tưởng, Dung Tấn Trung gặp hàng chục nhà đầu tư, nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu. Họ khen ý tưởng độc đáo, nhưng hỏi “ai sẽ dùng nó?”, chính ông cũng không trả lời được, chỉ biết tương lai sẽ cần. Sau một năm thuyết phục, cuối cùng một quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ rót 3,5 triệu USD cho công ty.

Với số vốn này, Dung Tấn Trung bỏ công việc kỹ sư trưởng để lập Cty OnDisplay vào năm 1995, hướng tới khách hàng là các công ty kinh doanh qua mạng internet, chuyên tổng hợp các sản phẩm và so sánh giá với nhau, giúp người mua không mất nhiều công tìm kiếm trên mạng.

Có vốn, có phần mềm nhưng Dung Tấn Trung không tìm được đầu ra cho sản phẩm do khi đó nhu cầu tổng hợp thông tin và kinh doanh qua mạng chưa phát triển. Khách hàng thường hỏi “chúng tôi biết làm gì với nó?”, ông chỉ biết lắc đầu. Khách hàng không có, số vốn 3,5 triệu USD cạn, nhân sự dần rời bỏ công ty. Ðể tồn tại, Dung Tấn Trung chấp nhận làm bất kể việc gì có tiền duy trì hoạt động. Công việc nhàm chán đôi lúc khiến Trung muốn bỏ cuộc. Thời gian đó, công ty luôn trong tình cảnh “giật gấu vá vai”.

Dù khó khăn, Dung Tấn Trung luôn tin có ngày phát minh của mình được sử dụng. Và rồi, năm 1998, kinh doanh qua mạng internet nở rộ, hàng trăm ngàn website ra đời như nấm sau mưa và người ta cần công cụ có thể tự động cập nhật thông tin. “Internet phát triển như vũ bão, chỉ qua đêm người ta cần và mình có. Mình đã gặp may”, ông Trung nhớ lại. Sau đó hàng loạt công ty cho ra đời những phần mềm tương tự, nhưng nhờ lợi thế đi trước, ông chiếm lĩnh thị trường.

Năm 1999, Cty OnDisplay của Dung Tấn Trung bước lên sàn chứng khoán New York. Ðó là năm có nhiều công ty IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) nhất trong lịch sử nước Mỹ. Công ty của Dung Tấn Trung trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp IPO thành công nhất năm. Năm 2000, ông chuyển nhượng công ty thu về gần 1,8 tỷ USD.

Dung Tấn Trung - Tỷ phú từ 2 USD ảnh 2

Giải pháp thanh toán trực tuyến đem về Việt Nam từng phải dùng để bán thẻ điện thoại.

2. Tỷ phú về Việt Nam bán thẻ điện thoại

Năm 2007, Dung Tấn Trung lần đầu trở về Việt Nam sau nhiều năm lập nghiệp trên đất Mỹ. Nhìn thấy đất nước đổi mới, ông quyết định trở về. Ông đồng sáng lập Cty CP Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Việt Phú (Mobivi), với sản phẩm đầu tiên là hệ thống thanh toán điện tử (ví điện tử). Nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường lại phải nghe điệp khúc “con gà quả trứng”: Các siêu thị, nhà bán lẻ không mặn mà vì người Việt chỉ dùng tiền mặt, còn người dùng thẻ không biết ở đâu chấp nhận. Không bán được sản phẩm, để tồn tại ông đưa hệ thống ví điện tử của mình đi bán thẻ điện thoại.

Doanh nhân Dung Tấn Trung năm nay 48 tuổi, nổi danh cả ở Mỹ và Việt Nam, được nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal… vinh danh. Hiện ông là Tổng Giám đốc Cty CP Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Việt Phú (Mobivi).

Ba năm sau, thanh toán qua thẻ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, ông Trung quyết định chuyển hướng kinh doanh và chương trình phúc lợi cho công nhân ra đời với tên iCare. Với giải pháp này, công nhân được hỗ trợ mua hàng trả góp trong 6 tháng với lãi suất bằng 0 (lãi suất 0%). Nhờ đáp ứng đúng nhu cầu công nhân, dịch vụ này nhanh chóng được đón nhận. Hiện, hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam đã liên kết cùng Mobivi triển khai cho công nhân mua hàng trả góp. Với thành công này, ông Trung đang phát triển chương trình sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Ðộ... mục tiêu mỗi năm phát triển được thị trường tại 5-10 nước.

Trong triết lý kinh doanh của mình, Dung Tấn Trung luôn tâm niệm người có ý tưởng đầu tiên không có nghĩa sẽ thành công nhất. Do đó, trong thời gian ngắn nhất phải chiếm được thị phần lớn nhất nhằm tạo lợi thế, nếu không sẽ có người đi sau làm tốt hơn và vượt mình.

3. Người lãnh đạo cần biết bỏ qua cái tôi

Theo Dung Tấn Trung, bạn có thể giỏi trong tạo ra sản phẩm, nhưng để kinh doanh tốt không phải ai cũng làm được. Do đó, ông khuyên, nếu bạn kinh doanh không tốt, có thể thuê người làm thay. Ông dẫn chứng trường hợp một người bạn ở Mỹ, đầu thế kỷ 21, internet phát triển, anh bỏ làm cho chính phủ để lập công ty.

Công ty này chuyên kết nối các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ với hàng ngàn nhà cung cấp hàng hóa quy mô nhỏ và vừa. Dù ý tưởng của người bạn được thị trường đón nhận, dịch vụ cung cấp luôn ở tốp đầu, nhưng doanh thu không vượt quá 20 triệu USD/năm, trong khi các đối thủ đi sau có doanh thu hàng trăm triệu USD.

“Anh bạn tôi quá thiên về kỹ thuật, thiếu tư duy khách hàng một cách bài bản, nên không thể mở rộng thị trường. Nếu anh bạn đó bỏ qua cái tôi, thuê người làm hộ công việc kinh doanh và trao quyền cho họ nhiều hơn, công ty có cơ hội thu lời hàng trăm triệu USD mỗi năm”, ông Trung nói.

Nói về thời kỳ đất nước hội nhập, tỷ phú Dung Tấn Trung cho rằng, hiện cơ hội kinh doanh rất nhiều, đặc biệt với những người trẻ. Ông dẫn một nghiên cứu mới đây cho thấy, hơn 20 năm trước để một thương hiệu có được thị trường 10 tỷ USD cần 100 năm xây dựng.

Nhưng 20 năm trở lại đây, để đạt được điều đó chỉ mất 10 năm. “Ngày nay đi ra thế giới rất dễ, cơ hội nhiều, nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Do đó, cần chuẩn bị cho cuộc chơi mới của đất nước hội nhập và bạn phải luôn ở tâm thế sẵn sàng đón nhận cơ hội khi nó tới”, ông Trung gửi lời tới những doanh nhân trẻ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.