Tỷ phú chăn nuôi ở 'thủ phủ vải thiều'

Anh Nguyễn Văn Báo kiểm tra đàn vật nuôi
Anh Nguyễn Văn Báo kiểm tra đàn vật nuôi
TP - Tại “thủ phủ vải thiều”  Bắc Giang nhưng anh nông dân người dân tộc Sán Dìu Nguyễn Văn Báo lại chọn cách làm giàu khác biệt từ nuôi lợn theo phương pháp mới và thả cá, trồng các loại cây đặc sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp… với doanh thu hơn 8 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2012, anh Báo được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế.

Khu “liên hợp kinh tế” trên đỉnh non xanh

Cách thị trấn Chũ khoảng chừng hơn chục km, thôn Giành Cũ (xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nằm cạnh hồ làng Thum. Hỏi người dân nơi đây hầu như ai cũng đều biết đến trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Báo.

Dù đã nghe trước nhưng khi bước chân vào trang trại chúng tôi đều không khỏi ngạc nhiên trước sự quy mô và thiết kế hiện đại, khoa học của khu trang trại này. Ba khu chuồng trại được thiết kế liên hoàn và trang bị hệ thống cung cấp nước, thức ăn tiện lợi, hiện đại. Có những khu vực dành riêng cho những chú lợn bố nặng đến vài tạ, những khu vực nghỉ ngơi dành cho lợn nái đang trong giai đoạn chuẩn bị sinh sản, có những nơi dành riêng cho những đàn lợn con lúc nhúc bên bầu sữa mẹ…

Dưới khu chăn nuôi là diện tích mặt nước hơn
5 ha được anh Báo đầu tư gần 4 tỷ đồng để xây dựng các bờ vùng, bờ thửa, kè lát xung quanh thả cá.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng, anh Báo dừng lại cho đàn cá ăn. Những chú cá rô phi đơn tính nặng chừng gần một kg nổi lên cuồn cuộn trên mặt nước háo hức tranh ăn trông rất thích mắt. Anh Báo cho biết: Đây là nơi anh đang có dự định phát triển đàn cá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống cá thông thường. Bên cạnh đó, với hơn 1 ha đất đồi rừng được anh trồng các loại cây mới trên vùng đất này như cam Canh, chanh đào, bưởi Diễn, mít Thái Lan…

Nhớ về những ngày gian khó của mình, anh Báo nhớ như in câu hát đồng dao vốn đã ăn sâu vào nhiều người dân thôn Giành Cũ: “Nón rách bà On, lon ton bà Tình…”. Đó là những câu hát người dân nơi đây tự đặt ra để nói về hơn chục người có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó bà On chính là mẹ của anh Báo với hình ảnh chiếc nón rách nát vốn gắn liền với cuộc đời bà. Anh Báo nhớ lại, gia đình anh nghèo đến độ không có tiền mua nón, phải đi nhặt những chiếc nón mê đã bật 3-4 lần cạp (vành nón), rồi dùng giấy ni-lông bọc bên ngoài mà đội lên.

Cũng vì nghèo khó nên anh sớm bỏ học rồi đi bộ đội. Hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về quê hương với hai bàn tay trắng rồi lấy vợ sinh con. Lúc vợ sinh, anh cặm cụi thu hoạch hơn 1 mẫu sắn hai vợ chồng vất vả trồng bán lấy tiền mua gạo, thức ăn chăm con nhưng chỉ đủ ăn trong… 2 tháng. “Khi đó, ngôi nhà cấp 4 với mái ngói đỏ là mơ ước của mình”, anh Báo tâm sự.

Tăng đầu tư, giảm thiểu chi phí

Hết tiền, anh Báo xoay ra nghề xát gạo cho người dân xung quanh bằng cách “kết hợp” cùng với bố vợ mua được chiếc máy xát đã cũ. Nhưng chất lượng máy kém, cứ ba, bốn ngày lại phải gọi thợ sửa một lần. Lại có người rủ đi buôn lợn, anh cũng đi. Tích tụ được hơn 30 triệu đồng, anh mở thêm cửa hàng bán lân, đạm bằng mấy chiếc bạt và ngôi nhà liêu xiêu. Ban đầu, chẳng có ai mua hàng của anh vì có “đối thủ” nhập được thẳng từ đại lý nên giá bán thấp hơn. Không quản ngại khó khăn, anh tìm đến tận những đại lý lân đạm lớn ở Bắc Giang để lân la hỏi cách giảm giá thành sản phẩm rồi mạnh dạn vay lãi ngân hàng để làm vốn
sinh nhai. 

Có “của ăn của để”, anh tính đến việc phát triển kinh tế bằng việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn bởi theo tính toán của anh lúc ấy, mỗi con lợn đã cho thu lãi khoảng 100 nghìn đồng, cao hơn so với trồng vải thiều rất nhiều. Ban đầu anh chỉ nuôi khoảng 30-40 con lợn cỏ (loại lợn nái Móng Cái) nhưng sau đó anh nhận thấy nhiều mô hình nuôi lợn siêu nạc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Báo mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi theo hướng hàng hóa với mô hình hiện đại.

Khu chuồng trại của anh hiện đang được đầu tư hơn một tỷ đồng gồm các khu lợn nái, lợn đực giống, lợn thương phẩm với số lượng hơn 600 con. Đặc biệt, những con lợn con của anh được cắt nanh và đuôi từ lúc vài ngày tuổi. Theo tính toán của anh, việc cắt đuôi có thể giúp con vật đỡ vận động, mông lợn phát triển to đều, tăng hàm lượng nạc đồng thời có thể tiết kiệm khoảng 6kg cám/con cho đến khi xuất chuồng. Hiện nay, mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường hơn 10 tấn lợn hơi, số tiền từ bán lợn mỗi năm khoảng 6 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi trên 600 triệu đồng/năm.

Diện tích hơn 5 ha mặt nước được anh chia nhỏ làm 6 ao vừa và nhỏ để chủ động cho việc thâm canh, đánh bắt. Sản lượng cá thịt hàng năm ước đạt khoảng 25-30 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra cây ăn quả của gia đình anh đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ kinh doanh vật tư nông nghiệp và thức ăn gia súc khoảng 150 triệu đồng/năm.

Tính đến nay, toàn bộ nguồn thu từ kinh doanh lân đạm, thức ăn chăn nuôi và nuôi lợn, cá và cây ăn quả của gia đình anh khoảng hơn 8 tỷ đồng/năm. Là nông dân ở vùng sâu vùng xa nhưng cơ sở của anh đang tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ với mức lương bình quân hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng. “Quan trọng là cần tìm ra một hướng đi phù hợp, thay đổi cách nghĩ, cách tư duy hạch toán, áp dụng khoa học kỹ thuật cho chăn nuôi và phòng dịch thì sẽ thành công”, anh Báo chia sẻ.

Toàn bộ nguồn thu từ kinh doanh lân đạm, thức ăn chăn nuôi và nuôi lợn, cá và cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Văn Báo khoảng hơn 8 tỷ đồng/năm.

MỚI - NÓNG