Qua điện thoại, giọng người phụ nữ trẻ vô cùng lo lắng hỏi về trường hợp của con gái mình. Chị Nguyễn Thị Huyền My (Q.8, TPHCM) kể bé được 6 tuổi, phát sốt hơn 1 ngày tới 39-40 độ C, uống thuốc hạ sốt thì giảm nhưng sau đó lại tiếp tục sốt cao.
Chị xem trên báo đài biết đang vào mùa sốt xuất huyết, nhưng ngoài sốt thì bé chưa có triệu chứng gì thêm nên gọi điện “cầu cứu” bác sĩ. Chị thắc mắc làm cách nào để phân biệt giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban và sốt siêu vi?
Theo BS Trương Hữu Khanh - BV Nhi đồng 1 TPHCM, sốt xuất huyết là bệnh lây qua trung gian muỗi vằn, do virus Dengue gây ra. Muốn phân biệt được các loại bệnh sốt này, cần phải theo dõi quá trình sốt, đồng thời nhận biết những dấu hiệu đặc biệt để phát hiện bệnh kịp thời, đưa ra những hướng xử trí đúng nhất.
Ngoài ra, bệnh còn có triệu chứng nổi ban đỏ giống bệnh sốt xuất huyết. Để phân biệt được 2 bệnh này có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da tại nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là sốt xuất huyết. Hầu hết bệnh sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi người bệnh thường hết sốt, ăn được, da có thể bị nổi phát ban 3-5 ngày rồi lặn.
Sốt siêu vi: cũng giống với sốt xuất huyết, biểu hiện của sốt siêu vi theo từng cơn ở nhiệt độ rất cao từ 38-39 độ C, thậm chí có lúc 40-41 độ C. Khi bị sốt siêu vi, đầu và cơ thể sẽ có cảm giác đau mỏi. Đồng thời sẽ có biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ, viêm đường hô hấp, khu vực quanh cổ - mặt - đầu thường có dấu hiệu sưng to, chảy nước mắt và mắt đỏ…
Sốt xuất huyết: là do muỗi truyền bệnh, thường khởi phát sau 3-6 ngày từ khi bị muỗi truyền virus. Triệu chứng ban đầu là sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu vùng thái dương, mỏi các cơ, khớp, nôn mửa, ở trẻ em có thể kèm đau bụng, rát họng. Sau đó, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da. Dấu hiệu gợi ý bệnh chuyển nặng thường kèm theo triệu chứng đau bụng và nôn ói nhiều, sốc, tay chân lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng…
Vì thế, BS Khanh đưa ra cảnh báo nếu thấy sốt khoảng 2-3 ngày dù không có những triệu chứng gì liên quan đến sốt xuất huyết như bầm máu dưới da, ho ra máu, đi tiêu ra máu... thì vẫn phải dè chừng đó là sốt xuất huyết và phải chủ động đi khám bệnh để bác sĩ có thể xét nghiệm máu và chẩn đoán bệnh.
Cần lưu ý gì khi bị sốt xuất huyết?
Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, việc điều trị sốt xuất huyết chủ yếu điều trị triệu chứng. Vì thế, khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng cần lưu ý tuân thủ tuyệt đối lời dặn của bác sĩ.
Đặc biệt, khi bị sốt xuất huyết nếu dùng thuốc hạ nhiệt cần hết sức thận trọng.
Ngoài ra, có thể kết hợp với lau mát ở trán, nách, bẹn để phòng sốt cao, co giật nhưng không dùng nước đá hoặc đá lạnh để chườm. Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước, cũng có thể uống nước trái cây như cam, quýt, chanh, dừa…
BS Khanh cũng cho biết, quan niệm đã mắc sốt xuất huyết một lần sẽ không tái phát lần sau là sai lầm, bởi vì hiện tại ở nước ta có 4 týp huyết thanh khác nhau. Lần đầu mắc bệnh loại nào, lần sau sẽ không mắc loại đó nhưng vẫn có thể bị 1 trong 3 loại còn lại.
“Người bệnh không nên tự ý truyền dịch tại nhà vì rất dễ bị sốc do cơ thể đang phản ứng mạnh chống virus và có thể dẫn đến các biến chứng nặng do thừa dịch như phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn... Bên cạnh đó, không nên cạo gió, xông hơi hoặc áp dụng phương pháp truyền miệng khi hiệu quả chưa được chứng minh trong thực tiễn. Hạn chế ăn các thực phẩm có màu sẫm, nhiều dầu mỡ, cay nóng, ngừng hút thuốc, uống rượu bia trong quá trình điều trị” - BS Khanh đưa ra lời khuyên.
Người nhà cần theo dõi bệnh nhân, nếu thấy có dấu hiệu khác thường như chân tay lạnh, vật vã, bứt rứt khó chịu, đau bụng, tiểu ít, huyết áp tụt cần đưa đi bệnh viện ngay.
Theo BS Khanh, thực tế ai cũng biết sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền nhưng có một nghịch lý là người chưa bị lại lơ là với dịch, chỉ có người bị rồi mới lo lắng. Vì thế, mọi người không nên chủ quan, đừng để “nước đến chân mới nhảy” mà cần phòng ngừa bắt đầu từ việc ngủ nằm mùng, vệ sinh bụi rậm, đồ vật chứa nước đọng quanh nơi sinh sống để muỗi không có nơi sinh sản. Phun thuốc trừ muỗi định kỳ.