Bởi lâu nay quan chức ở ta đang yên đang lành rất hiếm vị chủ động xin nghỉ trước tuổi, thậm chí nhiều vị còn tìm mọi cách để được tại vị thêm càng lâu càng tốt. Lạ nữa là, ông Bí thư Hội An này đang rất có uy tín trong dân, có nhiều đóng góp cho Hội An và cũng nổi tiếng là người ngay thẳng, nói là làm. Lạ hơn, trong bối cảnh nạn “chạy” chức “chạy” quyền còn đang nhức nhối thì một ông quan đứng đầu thành phố bỗng dưng lại xin “cáo quan hoàn dân” trước niên hạn. Không phải vô cớ dân gian có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”, ấy vậy mà ông Bí thư Hội An lại xin “về vườn” một cách nhẹ tênh để đọc sách, câu cá, nuôi chim, trồng cây… Đúng là chuyện lạ!
Thế nhưng khi nghe ông Bí thư Hội An lý giải, mọi sự lạ ấy đã được hóa giải. Hóa ra ông Sự không muốn trở thành loại quan chức “lá chuối” - loài cây lá héo đến quắt queo vẫn không chịu rời cành khiến người ta phải lấy dao cắt bỏ. Hóa ra theo ông, “thất bại của mình là làm lãnh đạo lâu quá, âu cũng là cái tội”. Còn “khuyết điểm” lớn nhất của ông là... “quát mắng” cấp trên của mình nhiều quá trong các cuộc họp. Và quyết định “về vườn” của ông nếu có mất, theo ông, chỉ mất mỗi tiếng “dạ” của những người dưới quyền mà thôi!
Đọc ký sự “Khi ông Sự cáo quan về vườn” của nhà báo Trần Tuấn, tôi thấy ông có nhắn nhủ với những người kế nhiệm mình hai từ “dũng khí” - “dũng khí đấu tranh với cấp trên nếu có những quyết định không phù hợp”, “dũng khí chịu áp lực trước sự phê phán của dân nếu mình làm đúng” và “dũng khí từ chức nếu làm sai”.
Đúng vậy! Nếu quan chức nào cũng có dũng khí như vậy ắt sẽ ích nước, lợi dân. Và chắc chắn những vị quan có dũng khí theo nghĩa trên sẽ được người dân tôn trọng và quý mến, nghỉ hưu hay mất đi rồi người dân vẫn còn nuối tiếc.