Bế mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16:

'Đừng đốt' thắng

'Đừng đốt' thắng
TP - Với số phiếu 10/11, ban giám khảo báo chí chọn Đừng đốt của Đặng Nhật Minh là phim truyện nhựa hay nhất vì đã kể “Một câu chuyện nhân văn về chiến tranh. Hài hòa nội dung, nghệ thuật. Tác động sâu sắc đến công chúng”.
'Đừng đốt' thắng ảnh 1
Lưu Hà - nữ diễn viên xuất sắc nhất. Ảnh: Trọng Thịnh

Đây là lần đầu tiên LHP Việt Nam có giải báo chí, ban tổ chức cho biết sẽ tiếp tục đưa giải này vào hệ thống các LHP sau này. Tối qua 12-12, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 bế mạc ở Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) sau năm ngày hoạt động sôi nổi.

Nhiều sự lạ

Trong buổi chiếu ra mắt Chơi vơi ở Hà Nội hồi tháng 11, có khán giả hỏi: “Tông màu của phim khá ấn tượng - hơi tối, nhưng không bật lên hiệu quả diễn xuất?”. Bùi Thạc Chuyên đáp: “Khán giả thấy màu hơi tối vì chúng tôi muốn cái nhìn khách quan, không can thiệp mà đồng cảm với nhân vật. Cái hay của phim chính là sự không rõ ràng, bí mật, không lộ sáng. Quan trọng là cảm xúc đưa lại, không phải là sự hiểu đến cùng bởi phim của tôi đề cập trực diện vấn đề tính dục”.

Có thể nói Chơi vơi là phim hiếm hoi được bàn luận sôi nổi kể cả trước liên hoan phim (LHP). Người thích, như nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, phu quân của diễn viên Hồng Ánh, cho rằng cái được của phim là sự tiết chế. Cũng chính sự tiết chế này lại khiến khán giả khó tính khác không thỏa mãn.

Một nhà văn nổi tiếng xem Chơi vơi ở Hà Nội, nhận xét: “Hóa ra Bùi Thạc Chuyên cũng chỉ là một công tử làm phim, không đủ độ xả thân”. Cách kể mới mà Nguyễn Quang Lập thích ở Chơi vơi, không chỉ một giám khảo phim truyện nhựa cho rằng, thấp thoáng bóng dáng Trần Anh Hùng, Tony Bùi và là bước lùi của Bùi Thạc Chuyên so với Sống trong sợ hãi.

Dù thế nào đi nữa, Chơi vơi xứng đáng ít nhất giải Bạc trong mặt bằng phim năm nay. Cuối cùng, không Bạc, không giám khảo, không khán giả. (Giải giám khảo thuộc về Huyền thoại bất tử, Trái tim bé bỏng).

Thế nhưng Chơi vơi lại nhận tới ba giải cá nhân: Đạo diễn, quay phim, họa sĩ. Có vị giám khảo thú nhận, chấm xong các giải cá nhân và bỏ phiếu Bông Sen Vàng, Bạc xong mới giật mình: Ba giải quan trọng mà lại không được Bạc là thế nào! Vào phút chót, có tin giải đạo diễn có thể chuyển sang Vinh Sơn (Trăng nơi đáy giếng), để hợp lý hóa!

Hỏi một số vị giám khảo khen Rừng đen “vạm vỡ, khốc liệt” rằng đã xem Những người thợ xẻ chưa, ông bảo chưa. Triết lý gieo gì gặt nấy, ăn của rừng rưng rưng nước mắt tưởng đã được đạo diễn Vương Đức thỏa mãn ở Những người thợ xẻ. Thêm Rừng đen thì thêm rừng trong bộ sưu tập của Vương Đức, nhưng dấu ấn khác biệt giữa hai phim chưa rõ.

Giải Nam diễn viên phụ cho Bình Minh trong 14 ngày phép cũng thể hiện sự lúng túng của giám khảo. Vai Khang của Bình Minh trong Chuyện tình xa xứ dễ thương, hợp lý. Nhưng 14 ngày phép là phim yếu từ diễn viên yếu đi kể cả chính phụ, và Bình Minh thì không có đất diễn. Phải chăng vì đã cho Dustin Nguyễn giải chính nên ban giám khảo đành chia cho Bình Minh giải phụ, lấy đi cơ hội của những gương mặt xứng đáng hơn ở hạng mục này.

Dustin Nguyễn có gương mặt rất điện ảnh, diễn xuất chuyên nghiệp nhưng với một phim kịch bản giả khượt như Huyền thoại bất tử, sự tả xung hữu đột vào vai Long khùng của anh có vẻ thừa thãi.

Vui, buồn lẫn lộn

Tiêu chí của LHP 16: “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”. Qua 15 phim, thấy không nhiều tác phẩm chịu khó tìm tòi con đường riêng. Nguyễn Quang Lập bảo, anh thích Trăng nơi đáy giếng kịch bản Trần Thùy Mai hơn Trái tim bé bỏng kịch bản của anh, nhưng rõ ràng cách kể của phim không mới mà cũng khó có khán giả.

Nếu không xem những phim Mỹ thịnh hành trong giới trẻ như High school musical, Cô gái lắm chiêu…, cứ tưởng Giải cứu thần chết của Nguyễn Quang Dũng đang tiệm cận cái mới đây. Một giám khảo phía nam thông tin: Giới trong nghề đều biết là phim ăn cắp, thế mà lịch đặt hàng của đạo diễn này đã kín đến hết năm sau!

14 ngày phép với vai chính là người thanh niên Việt kiều tìm về quê hương nguồn cội, xem phim tưởng như thập kỷ 80. May mà còn có Chuyện tình xa xứ cũng phim của Việt kiều nhưng sự tươi tắn trẻ trung thấy rõ, hòa nhịp với hơi thở của đời sống.

Hàng loạt phát hiện diễn xuất cũng nổi lên qua lần này: Thạch Kim Long (Đừng đốt, Rừng đen), Kathy Uyên (Chuyện tình xa xứ), Hoàng Cao Đề (Trăng nơi đáy giếng). Hai diễn viên chèo đóng xuất sắc vai bà mẹ của Đặng Thùy Trâm lúc trẻ và già là Đào Thị Duyên và Diễm Lộc- tiếc cho họ không được ghi nhận ở lần này.

Có người đã và vẫn chín như Hồng Ánh, Kiều Trinh (Rừng đen). Có người đẳng cấp quốc tế như Linh Đan, phong phú hóa diện mạo điện ảnh. Có người diễn như không diễn thành ra hiệu quả- khi chỉ là diễn viên tay ngang (Duy Khoa - Chơi vơi). Thế là không phải lúc nào cũng phú quí giật lùi bởi những LHP trước cũng từng khổ sở truy tìm dù một vai phụ. Nên Quốc Khánh, Hải Yến mới vinh danh diễn viên chính một cách dễ dàng.

Bông Sen Vàng phim truyện nhựa: Đừng đốt. Bông Sen Bạc: Trăng nơi đáy giếng, Rừng đen. Chơi vơi đoạt ba giải cá nhân, không đoạt một giải tác phẩm nào.

Đạo diễn xuất sắc: Bùi Thạc Chuyên (Chơi vơi). Tác giả kịch bản: Đặng Nhật Minh (Đừng đốt). Quay phim: Lý Thái Dũng (Chơi vơi). Âm nhạc: Đức Trí (Huyền thoại bất tử). Họa sĩ: Lã Quý Tùng (Chơi vơi). Nữ diễn viên chính: Lan Hà (Trái tim bé bỏng). Nam diễn viên chính: Dustin Nguyễn (Huyền thoại bất tử). Nữ diễn viên phụ: Hồng Ánh (Trái tim bé bỏng). Nam diễn viên phụ: Bình Minh (14 ngày phép).

Giải của ban giám khảo: Huyền thoại bất tử và Trái tim bé bỏng. Giải của báo chí: Đừng đốt. Giải khán giả (tức giải của Cục Điện ảnh cho phim truyện nhựa được khán giả của LHP 16 ưa thích nhất): 14 ngày phép.

Một số Bông Sen Vàng thể loại khác:

Phim truyện video: Mười ba bến nước (Điện ảnh quân đội, đạo diễn Đặng Thái Huyền). Phim tài liệu nhựa: Đất lạnh (đạo diễn Nguyễn Thước). Phim tài liệu video: Ký ức Trường Sơn (đạo diễn Lê Hồng Chương). Phim khoa học: Nước ngầm cảnh báo (đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga). Phim hoạt hình: Thỏ và rùa (đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn).

MỚI - NÓNG