“Hết cửa” đầu tư chui, núp bóng
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư vừa được thông qua, nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong luật cũ để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan đến chính sách về đất đai, thuế...
Một trong những điểm đáng chú ý liên quan đến ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, theo ông Thắng, Luật lần này đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung quy dịnh cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời Luật tiếp tục cắt giảm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, luật đã quy định rõ việc xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Cùng với đó, luật cũng bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để tính thuế, hạn chế chuyển giá, trốn thuế; bổ sung quy định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn, nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, núp bóng.
Dừng thực hiện dự án BT từ 15/8.
Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Vũ Đại Thắng cho biết, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác.
Ngoài ra, Luật PPP cũng hoàn thiện cơ chế tổng thể bao gồm các hỗ trợ, ưu đãi và đảm bảo đầu tư từ phía Nhà nước, tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm thực hiện dự án thành công.
Đáng lưu ý, Luật PPP vừa ra đời đã khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu nhằm tập trung nguồn lực, gồm: giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, chất thải; y tế, giáo dục đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50-50 cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.
“Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biên pháp điểu chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu”, ông Thắng cho hay.
Về dự án BT, Luật PPP đã thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. “Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung đã đọc Lệnh công bố 10 Luật. Cụ thể, đó là các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp.