Quyền Bộ trưởng Y tế vào Gia Lai: Mở chiến dịch tiêm vắc-xin bạch hầu

Ông Nguyễn Thanh Long thăm trẻ tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu tại huyện Ðắk Ðoa, tỉnh Gia Lai . Ảnh: T.Hà
Ông Nguyễn Thanh Long thăm trẻ tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu tại huyện Ðắk Ðoa, tỉnh Gia Lai . Ảnh: T.Hà
TP - Ngày 9/7, tại tỉnh Gia Lai, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm những bệnh nhân bạch hầu đang điều trị ở huyện Ðắk Ðoa, đồng thời phát động chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu trên quy mô lớn.  

Đây là chuyến công tác đầu tiên của GS.TS Nguyễn Thanh Long trên cương vị mới. Theo chương trình, ông sẽ làm việc với lãnh đạo 7 tỉnh.

Nguy cơ lây lan trong cộng đồng

Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá, dịch bạch hầu có xu hướng lan nhanh, lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên, tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Vì thế, ngành y tế luôn sẵn sàng trên tinh thần vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa chống dịch bạch hầu. Ông Long nhấn mạnh, quan điểm của ngành y tế là kiểm soát nhanh nhất và ổn định đời sống của nhân dân.

Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh bạch hầu ở 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai). Ông Tấn cho hay, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). Tỷ lệ người lành mang trùng cao, chiếm gần 50%, cho thấy những người này có thể lây lan cho người xung quanh, lưu hành bệnh trong cộng đồng, đa số là người dân tộc, chiếm trên 90%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các tỉnh Tây Nguyên cần làm tốt công tác truyền thông để thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân về phòng chống bệnh bạch hầu. “Trên thực tế có tình huống cán bộ y tế đã đến tận nhà vận động nhưng người dân vẫn không đi tiêm chủng, do đó trong công tác truyền thông cần đa dạng các hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của đồng bào, tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, ông Tuyên nói.

Viện trưởng Viện Dịch tễ Tây Nguyên cho biết, tuần này và tuần sau sẽ triển khai xét nghiệm bạch hầu tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Viện sẵn sàng cung ứng 500.000 liều vắc-xin cho Tây Nguyên trong 1 ngày, nhưng khó khăn là người dân phần lớn ở vùng sâu vùng xa, chưa có ý thức tiêm phòng nên chưa hợp tác với nhân viên y tế. PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết: “Dù tiêm vắc-xin nhưng trong người có vi khuẩn nên vẫn có khả năng lây lan. Vắc-xin chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bạch hầu, phải phát hiện sớm. Vì thế, điều tra dịch tễ để truy vết rất quan trọng giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng”.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói rằng, tỷ lệ tử vong đang cao hơn tỷ lệ chung. Qua kiểm tra tại Đắk Nông, trong cộng đồng đang có nguồn lây bệnh nên phải kiểm soát tốt. Thứ trưởng nhận định, dịch xảy ra tại vùng sâu vùng xa, “vùng lõm” của tiêm chủng hoặc những vùng tiêm không đầy đủ như không đủ liều.

Dập tắt dịch nhanh nhất

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho hay, Bộ Y tế đang xem xét cập nhật hướng dẫn, trong đó thêm các xét nghiệm sớm, cập nhật phác đồ điều trị, huyết thanh kháng bạch hầu. Tăng cường phát hiện sớm, đặc biệt là người lành mang trùng để điều trị sớm tránh biến chứng. Theo dõi bệnh nhân sát sao như làm với COVID-19 để tránh lây lan, điều trị kịp thời. Tập huấn bổ sung hướng dẫn mới cho các đơn vị.

Kết luận cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu, các năm trước, dịch rải rác, quy mô nhỏ, năm nay xảy ra trên diện rộng. Quan điểm chỉ đạo chung của Bộ Y tế là chủ động, tích cực dập tắt dịch trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo tính bền vững trong thời gian tiếp theo.

Bạch hầu là bệnh cổ điển, tử vong chủ yếu do độc tố của bạch hầu gây ra. Do đó, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, điều trị càng sớm càng tốt, muốn điều trị sớm phải phát hiện sớm. Bạch hầu có cả vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. “Phải ngăn chặn ngay, không để lây lan rộng trong cộng đồng”, ông nhấn mạnh.

Ông Long nhận định: “Đây là thời điểm vàng ngăn chặn dịch bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên cũng như không cho dịch lây sang các tỉnh lân cận. Muốn ngăn chặn nhanh, triệt để, giảm tử vong, việc phát hiện sớm triệt để là hết sức quan trọng”. Các địa phương thực hiện nghiêm phương châm cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Với bạch hầu có điểm khác đối với các dịch bệnh khác là có thêm biện pháp điều trị. Khi phát hiện nơi có ca bệnh trên địa bàn nào thì ngay lập tức điều trị dự phòng cho tất cả những trường hợp trên địa bàn đó, không chờ xét nghiệm. Thuốc điều trị rất hiệu quả và chi phí thấp. “Điều trị sớm không chỉ ngăn ngừa và giảm biến chứng mà còn ngăn ngừa lây nhiễm. Nếu đã uống thuốc sau 48 giờ sẽ không có chuyện lây nữa”, ông nói.

Về điều trị, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai lập các tổ điều trị chuyên môn, thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đồng thời mua thuốc, kháng huyết thanh SAD để đảm bảo cung cấp cho các địa phương. Bộ sẽ xuất cấp khẩu trang mỗi địa phương 200.000 chiếc và trang thiết bị phòng hộ cá nhân…    

Lãnh đạo Bộ Y tế phân tích, người lành mang trùng hiện nay chiếm gần 50%, nguy cơ phát tán dịch bệnh cao, thời gian mang trùng kéo dài hàng tháng, nên điều trị dự phòng rất quan trọng.

Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin trên quy mô lớn, 4 tỉnh đầu tiên triển khai là Gia Lai, Kon Tum, Ðắk Nông, Ðắk Lắk - những địa phương có ca bệnh, sau đó là Lâm Ðồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Theo đó, toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng. Với trẻ 2-3-4 tháng tuổi,  vắc-xin 5 trong 1 đang tiêm rộng rãi, trên 7 tuổi, tiêm vắc-xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). Dự kiến, hơn 10 triệu liều vắc-xin được cung cấp cho 4 tỉnh Tây Nguyên với hơn 4,7 triệu người được tiêm.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.