Các chuyên gia y tế tại Đại học Johns Hopkins (JHU) đã đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người không biết là các chuyên gia chiến lược và ngoại giao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến Johns Hopkins (SAIS), chuyên về Đông Á và Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng đã bận rộn trong thời gian này suy nghĩ về cách thức các động lực địa - chính trị sau COVID-19 xuất hiện ở khu vực đó. Ngoài ra, các hợp tác ngày càng sâu sắc hơn giữa Ấn Độ với các quốc gia trong khu vực có ý nghĩa quan trọng, khi New Delhi bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Bắc Kinh trên biên giới.
Giáo sư Kent E. Calder, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á Reischauer tại SAIS, JHU, là tác giả chính của ấn phẩm hai tập Ấn Đông Á trong Thế giới hậu COVID-19 và Khủng hoảng COVID-19 Bài học chính sách từ Đông Á. Giáo sư Calder, một chuyên gia về ngoại giao và các vấn đề chiến lược Đông Á, tác giả của 12 cuốn sách về kinh tế chính trị và an ninh Đông Á, đã trả lời phỏng vấn tờ The Sunday Guardian về các cuộc đụng độ biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh Đài Loan (Trung Quốc)trở thành một tác nhân gây khó chịu lớn cho Bắc Kinh, các động lực địa chính trị mới nổi lên ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các chuyên gia Mỹ nghĩ gì về đụng độ biên giới Trung - Ấn? Về câu hỏi này, giáo sư Calder cho rằng giới học giả Mỹ tập trung đặc biệt vào chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, và nói chung có thiện cảm với Ấn Độ. “Họ lo ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa hai gã khổng lồ vũ trang hạt nhân, nhưng vẫn cho rằng triển vọng leo thang là rất thấp”, ông Calder nói.
Theo ông, Trung Quốc và Ấn Độ đều là những cường quốc toàn cầu đang trỗi dậy và là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, cuộc đụng độ của họ đương nhiên có một số ý nghĩa quốc tế.
Thứ nhất là việc này gây bất ổn thị trường tài chính, đặc biệt là ở châu Á, vốn luôn nhạy cảm với rủi ro. Tuy nhiên, hệ lụy bị hạn chế bởi vị trí tương đối xa của Thung lũng Galwan ở giữa vùng Ladakh hẻo lánh và thực tế là vũ khí thông thường không được sử dụng. Nếu có sự leo thang đáng kể, sử dụng đến các vũ khí mạnh, hoặc bùng phát dọc theo các phần khác của đường đình chiến Trung-Ấn, tác động toàn cầu sẽ không còn nghi ngờ gì nữa.
“Ông có dự đoán đụng độ biên giới Trung - Ấn sẽ sớm lan ra biển Đông và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương không?”. Về câu hỏi này, giáo sư Calder nói: “Chúng ta đã thấy hành động phi lý của Trung Quốc ở biển Đông và ở Hong Kong với Luật An ninh Quốc gia. Những gì xảy ra tiếp theo ở dãy Himalaya sẽ thực sự khó lường”.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang gây ra căng thẳng ở biển Đông giống như ở eo biển Đài Loan và vì những lý do tương tự. Một mặt, nó đang kích động chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, bắt nguồn từ sự tin tin rằng Trung Quốc mạnh hơn các quốc gia khác, do chiến thuật có vẻ có hiệu quả vượt trội trong chống dịch của họ, và cũng vì những gì họ cho là điểm yếu của nước khác, đặc biệt là Mỹ, ông Calder nhận định.
Nhận thức về sự yếu kém này của Mỹ đặc biệt được thể hiện rõ rệt ở biển Đông, bởi vì các tàu sân bay Mỹ dường như dễ bị nhiễm virus. Hơn 20% trong số 5.000 thủy thủ trên tàu USS Theodore Roosevelt, chẳng hạn, đã nhiễm virus hồi đầu năm nay, làm mất khả năng tác chiến trong hai tháng, và đó là ở biển Đông.
Do đó, tình hình COVID-19 đang làm cho nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự lớn hơn. Đã có những cuộc đối đầu giữa người Trung Quốc với người Malaysia, người Philippines. Tuy nhiên, chủ yếu là dân thường đã bị quấy rối, và triển vọng leo thang nghiêm trọng vẫn còn hạn chế.