Đừng để xôi hỏng bỏng không

0:00 / 0:00
0:00
TP - Câu thành ngữ “Xôi hỏng bỏng không” dùng để chỉ việc không mang lại kết qủa như mong muốn cho người nào đó, thậm chí là chẳng thu lại được kết quả gì, sau khi đã tốn công sức, thời gian cho việc gì đó.

Chính quyền và người dân TPHCM cũng đang lo ngại công tác chống dịch làm không chặt, thực hiện không nghiêm, cũng sẽ dẫn đến “công cốc” như thế.

Gần 80 ngày toàn thành phố giãn cách xã hội, cả người dân, chính quyền trải qua biết bao khó khăn gian khổ, mất mát và đau thương; và rồi, TPHCM vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Thế nhưng, những ngày gần đây, số lượng người dân ra đường bắt đầu tấp nập trở lại.

Thông tin từ Công an TPHCM, những ngày qua, mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người ra đường cùng với 120.000 xe cộ. Bắt đầu từ ngày 16/8, khi thành phố nới lỏng lưu thông cho một số ngành, nghề thì số lượng người “đổ” ra đường càng đông hơn. Quá nhiều người hồn nhiên như dịch chưa từng đi qua mảnh đất này.

Số ca mắc COVID-19 có giảm, tuy nhiên tỉ lệ F0 trong cộng đồng tại TPHCM lại đang tăng báo động. Báo cáo của ngành y tế cho thấy, ngày 16/8, đa phần F0 được phát hiện trong cộng đồng, với 1.769 trường hợp, chiếm 53% số ca F0. Đây là lần đầu tiên số ca trong cộng đồng tại thành phố cao hơn số ca trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp về chống dịch mới đây đã yêu cầu mỗi quận huyện phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tuyệt đối không để xảy ra giãn cách xã hội theo hình thức, ngoài chặt, trong lỏng, không mang lại kết quả.

Thực tế, thành phố đang tranh thủ từng giờ, từng phút với bao quyết tâm khống chế dịch, sớm đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên, nhìn cảnh người dân đổ ra đường, mọi người thật sự lo lắng công sức gần 3 tháng qua có thể đổ sông đổ biển, không đẩy lùi được dịch, cũng không phát triển được kinh tế, người dân khó dứt ra khỏi cảnh khó khăn.

Trước thực trạng người dân “đổ” ra đường đông, nhiều ý kiến cho rằng, do nhu cầu mưu sinh nên phải ra đường. Gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng, cũng được nhiều người phản ánh thực hiện chậm, nhiêu khê, máy móc, nên không phải hộ dân khó khăn nào cũng nhận được, dẫn đến tình trạng người cần không có, người dân gặp không ít khó khăn khi ở yên trong nhà.

Mô hình “túi an sinh”, mỗi túi đủ lương thực, thực phẩm cho các gia đình sử dụng trong một tuần, đang được vận hành tại TPHCM, được đánh giá là cách làm thiết thực, đảm bảo người dân không bị thiếu đói. Thế nhưng, theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, để người dân an tâm ở trong nhà, “túi an sinh” cần đến với dân kịp thời và nhanh chóng. Theo tôi, chính quyền cần đơn giản thủ tục hành chính, thay vì máy móc đủ các loại giấy tờ, cán bộ xã, phường, khu phố có thể đến tận nơi, thực tế để nắm được từng hoàn cảnh và “cứu” dân kịp thời. Đó sẽ là cách níu chân dân ở nhà cho đến khi khống chế được COVID.

MỚI - NÓNG