Tăng nhanh
Ngày 17/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, tính từ đợt dịch COVID lần thứ tư bùng phát đến nay, thành phố đã có 152.627 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 75.589 người được xuất viện, 4.912 ca tử vong.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đã thấm sâu, lan rộng; các nỗ lực phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt nhưng chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Thống kê cho thấy, số ca F0 phát hiện trong cộng đồng đang có sự gia tăng nhanh, vượt qua số ca lây nhiễm trong khu phong tỏa và chiếm 53% trong tổng số ca bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù đang trong giai đoạn cao điểm thực hiện cách ly xã hội với mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 15/9, nhưng nhiều ngày qua, lượng người dân đổ ra đường liên tiếp tăng cao, có những thời điểm đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm dịch, tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Bình Dương đang thiếu nhân lực, nếu đáp ứng đủ yêu cầu cần thêm khoảng 6.000 y, bác sĩ. Hơn 1.000 y, bác sĩ và tình nguyện viên từ các nơi chi viện, họ sắp hết thời gian làm việc tại Bình Dương theo kế hoạch. Chúng tôi đang làm mọi cách vận động đội ngũ chi viện nán lại hỗ trợ thêm thời gian nữa”.
TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “Việc kiểm soát dịch có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào giãn cách giữa người với người, giữa nhà với nhà. Ý thức của cộng đồng trong việc tuân thủ quy định giãn cách sẽ là tiền đề quan trọng trong việc cắt nguồn lây nhiễm. Số ca bệnh ngoài cộng đồng tăng cao, tôi đề nghị tất cả các quận huyện và thành phố Thủ Đức phải thực hiện đúng tinh thần ai ở đâu thì ở yên đó. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức, ngoài chặt trong lỏng, đặc biệt là tại các khu phong tỏa”.
Thực hiện xét nghiệm diện rộng, số ca mắc được ghi nhận ở Bình Dương tăng mỗi ngày. Ảnh: H.C |
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM nói: "Phải ngăn chặn được lây lan trong cộng đồng thì mới đẩy lùi được dịch. Còn để lây lan trong cộng đồng thì cuộc chiến chống dịch sẽ thua”- người đứng đầu Thành ủy TPHCM nói và kêu gọi người dân cùng vượt qua khó khăn.
Khó khăn khi điều trị F0 tại nhà ở Bình Dương
Tại Bình Dương, dù F0 được phát hiện mỗi ngày lên đến 4 con số nhưng địa phương vẫn duy trì mô hình cách ly điều trị tại bệnh viện dã chiến. Đồng thời lực lượng chức năng tỉnh này mở rộng và xây thêm bệnh viện dã chiến để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngày 17/8: Kỷ lục 4.465 ca mắc trong cộng đồng; 4.331 bệnh nhân khỏi bệnh
Tối 17/8, Bộ Y tế cho biết trong ngày ghi nhận 9.605 ca nhiễm mới COVID-19 với 10 ca nhập cảnh và 9.595 ca ghi nhận trong nước (4.465 ca cộng đồng). Cụ thể, tại TPHCM (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Ðồng Nai (298)…Ðợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay, 5 tỉnh, thành phố hiện được ghi nhận có số mắc cao là TPHCM (156.386), Bình Dương (49.833), Long An (15.579), Ðồng Nai (14.502), Bắc Giang (5.795). Trong ngày có 4.331 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.Cùng ngày Bộ Y tế thông báo đã ghi nhận 331 ca tử vong, trong đó riêng tại TPHCM là 285 ca.
Thái Hà
Tính từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương ghi nhận 46.501 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 12.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 390 ca tử vong.
Giải thích lý do vì sao Bình Dương đến nay vẫn cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến, mà không áp dụng mô hình điều trị tại nhà, TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho hay, do điều kiện về nơi ở của bệnh nhân không đảm bảo an toàn theo quy định.
Theo TS.BS Chương, Bình Dương có lượng người lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc nhiều, đa số những ca mắc vừa qua lại sống ở nơi tập trung đông dân, điều kiện nơi ở không đáp ứng theo quy định để điều trị tại nhà..
Cũng theo bác sĩ Chương, chính quyền địa phương đang tổ chức sàng lọc tách F0 ra khỏi cộng đồng trên diện rộng, đó là lý do số ca tăng cao trong những ngày qua và con số F0 sẽ còn tăng trong những ngày tới. Tuy nhiên, mọi việc đang trong tầm kiểm soát.
“Nhằm giảm tải áp lực của các khu điều trị tập trung hiện hữu, có thêm chỗ để tiếp nhận thu dung, điều trị cho F0 mới, tới đây Bình Dương sẽ cho các F0 (không có triệu chứng lâm sàng) là công nhân, người lao động đang thuê trọ được thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại nơi cư trú. “F0 là công nhân sẽ được bố trí cách ly, chữa trị ở khu nhà xưởng, công ty, khu trọ dành riêng cho công nhân”, bác sĩ Chương nói.