Đừng để sau “trăng mật” là “vỡ mật”

Đừng để sau “trăng mật” là “vỡ mật”
Người ta nói sau tuần trăng mật là vỡ mật quả không sai đối với nhiều cặp vợ chồng. Vì sao vậy?

Vì khi yêu nhau, hai người chỉ dâng cho nhau toàn “mật ngọt”, nói toàn lời hay ý đẹp, và làm “người tốt việc tốt”. Trong mắt của nhau, họ là những người không có gì đáng chê vì đã khéo léo “tốt khoe, xấu che”, nên chỉ khi về với nhau rồi họ mới “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Khi đó mật ngọt của thời kỳ trước đã biến thành mật đắng mà họ phải nhấm nháp suốt thời kỳ hậu trăng mật, có khi phải thưởng thức thứ mật đắng đó suốt đời hoặc nếu không chịu nổi thì phải ly hôn để khỏi tiếp tục “ăn quả đắng”. Đó là “vỡ mật” và cả “vỡ mộng” nữa.

Vậy để tránh những điều đó chúng ta phải làm gì? Hôn nhân muốn hạnh phúc và bền vững trước hết phải có nền tảng không thể thiếu là tình yêu. Nhưng có tình yêu vẫn chưa đủ mà còn cần nhiều thứ khác nữa để nuôi dưỡng và duy trì tình yêu đó qua năm tháng.

Đó là sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, sự hòa hợp về tính cách, tâm hồn, sự đồng điệu về quan niệm sống, tình dục và những mối quan tâm chung về gia đình, họ hàng, bạn bè và thưởng thức cuộc sống. Mỗi người đều phải tự hoàn thiện mình và quan trọng hơn là thích ứng với cuộc sống chung cùng với nửa kia của mình.

Xuất phát từ tình yêu thương với người bạn đời của mình, chúng ta phải biết dâng hiến cho nhau những gì tốt đẹp nhất của mình, biết sửa chữa những sai sót của mình và không ngừng học hỏi để thích nghi với người bạn đời. Một điều không kém phần quan trọng nữa ngoài tình yêu là phải tôn trọng nhau. Các cụ nói “phu phụ tương kính như tân” nghĩa là vợ chồng luôn trọng nhau như khách. Nếu thiếu đi sự tôn trọng thì tình yêu cũng theo đó mà ra đi.

Khi có xung đột, bất đồng thì phải làm sao để “tháo ngòi nổ”, để hạ nhiệt bầu không khí đang nóng? Các cụ bảo “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa, một đời không khê”; hoặc “Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì”. Như vậy thì dù có giận đến mấy cũng phải nguôi và “ngồi vào bàn đàm phán”.

Nếu ai cũng “cương”, cũng khăng khăng bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình, cho rằng mình đúng còn người kia sai, người kia có lỗi… thì sẽ không đi đến kết quả tốt đẹp được, lúc đó tổ ấm sẽ nổ tung vì sự nóng giận và bảo thủ của cả hai người. Xuất phát từ tình yêu thì sẽ có lòng vị tha và nhường nhịn đối với người bạn đời.

Người này vì người kia một chút để giảm bớt “cái tôi” của mình đi thì gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc sẽ mỉm cười mãi mãi với chúng ta. Nếu ai cũng muốn thắng trong cuộc cãi vã thì rốt cuộc không có ai thắng cả mà chỉ có hai kẻ chiến bại trong hôn nhân mà thôi.

MỚI - NÓNG