Dùng "cây thuốc mọi" chữa đau nhức

Dùng "cây thuốc mọi" chữa đau nhức
Tôi bị đau khớp xương từ nhiều năm nay. Có người mách: dùng "cây thuốc mọi" để đắp và xông có thể chữa khỏi được. Tôi đã hỏi rất nhiều người mà không ai biết đó là cây gì. Vì vậy rất mong được tìm hiểu và tư vấn giúp.

+ Đáp: Thứ cây ông hỏi ở ngoài Bắc thường gọi là "cây cơm cháy", mọc hoang dại khắp nơi, thường thấy ở ven suối, bờ khe, còn được trồng làm cảnh hoặc dùng làm thuốc.

Cây còn có tên là "cây thuốc mọi", "sóc địch", "tiếp cốt thảo" (cây nối liền xương), "xú thảo", "anh hùng thảo", "tẩu mã tiễn", "tẩu mã phong", "bát lý ma", "tiểu tiếp cốt đan"... Tên khoa học là Sambucus javanica Reinw.

Đặc điểm: Là loài cây nhỏ,  cành nhẵn, màu lục nhạt. Lá kép xẻ lông chim, mọc đối, không cuống hay cuống nhỏ, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim kép, nom giống một cái tán. Quả mọng hình cầu đường kính 2 - 3 mm, chứa 2 - 3hạt dẹt.

Bộ phận có thể dùng làm thuốc: Lá, vỏ, hoa và quả. Có thể thu hái quanh năm lá và vỏ; nhưng hoa  và quả phải thu hái vào mùa hè và thu. Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô, không phải chế biến gì khác.

Theo Đông y, cây cơm cháy có vị chua, tính ấm. Có tác dụng khu phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ. Dùng chữa phong thấp đau nhức, phù do viêm thận, cước khí phù thũng, kiết lỵ, hoàng đản, viêm khí quản mạn, phong chẩn, đơn độc, mụn nhọt lở loét sưng đau, gãy xương, đòn ngã chấn thương.

Trong dân gian, một số vùng dùng cành và lá cây cơm cháy tắm cho phụ nữ mới sinh  nở. Quả làm thuốc lọc máu, thông tiểu và nhuận tràng; ngâm rượu uống làm thuốc nhuận, tẩy độc cơ thể, chữa lỵ và thấp  khớp. Hoa được dùng làm thuốc lợi tiểu, làm ra mồ hôi. Dùng dưới dạng thuốc sắc,  thuốc pha hay thuốc xông. 

- Liều dùng: Ngày dùng 10-12g. Chú ý: Cơm cháy tính mãnh liệt, không dùng qúa liều trên. Nếu dùng với  liều 3g/1kg thể trọng có thể đái quá nhiều, ỉa lỏng và nôn mửa.

- Chữa đau nhức: Sách "Thiên Kim phương" có ghi lại cách dùng cây cơm chấy để chữa như sau: Mùa lạnh dùng rễ (giã nát), còn mùa nóng thì dùng cành lá, sao lên cho nóng, xoa và đắp lên rốn bệnh nhân; đồng thời dùng lá cây cơm cháy, hun nóng, rải lên chiếu cho bệnh nhân nằm.

Như vậy, phương thuốc mà người ta mách ông không phải là không có căn cứ. Ông có thể tìm cây cơm cháy ở quanh nhà và áp dụng thử. Nhân tiện, xin giới thiệu thêm một số bài thuốc khác để ông tham khảo:

- Chữa gãy xương: Dùng vỏ rễ và lá cây cơm cháy, giã nát đắp vào chỗ xương gãy rồi băng lại cho cố định (Vân Nam trung thảo dược tuyển).

- Chữa bị đánh, bong gân sưng đau: Dùng lá cây cơm cháy cắt nhỏ, giã nát cùng với mấy củ hành để liền cả rễ và bã rượu, đắp vào chỗ đau rồi băng lại, mỗi ngày thay thuốc một lần  (Giang Tây dân gian thảo dược).

- Chữa bị đánh, ngã, chấn thương thổ ra huyết: Dùng rễ cây cơm cháy, trắc bách diệp, mỗi thứ 9g, địa du 12g, sắc nước uống (Triết Giang dân gian thảo dược).

- Chữa phong thấp khớp xương sưng đau: Dùng rễ cây cơm cháy 20 - 30 g sắc nước uống trong ngày; đồng thời nấu lấy nước đặc rửa chỗ đau (Vân Nam trung thảo dược tuyển).

Lương y Hư Đan

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.