Dũng cảm, chân thành để hóa giải thù hận

Đoàn kiều bào do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu làm lễ tưởng niệm trong chuyến thăm Trường Sa năm 2012. Ảnh: Quê Hương
Đoàn kiều bào do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu làm lễ tưởng niệm trong chuyến thăm Trường Sa năm 2012. Ảnh: Quê Hương
TP - “Khi tôi đến thắp nhang tại nghĩa trang Biên Hòa, có nhiều người lên án, đòi đưa tôi ra xử lý. Rằng, tại sao một thứ trưởng đương nhiệm, một quan chức cao cấp lại đến thắp hương tại nghĩa trang của quân đội Sài Gòn trước đây. Nhưng nhờ những hành động như vậy mà nhiều người Việt ở hải ngoại chịu gặp, tiếp xúc với tôi”

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài, chia sẻ với Tiền Phong nhân dịp 30/4/2014.

Thù oán kéo dài làm đất nước yếu đi

Đoàn công tác liên ngành sang Mỹ và Canada do Thứ trưởng dẫn đầu trong tháng 3 gặp một số người chống đối khét tiếng. Xin Thứ trưởng cho biết đoàn đã dùng biện pháp gì để thuyết phục họ?

Những người chúng tôi gặp là những người đứng đầu các phong trào chống Cộng, đặc biệt là ở bang Texas và quận Cam ở phía Nam bang California. Thuyết phục những đối tượng đó phải bằng tình cảm, đôi khi cần cả sự dũng cảm khi phải nói những điều rất thật với họ. 

Họ nói thẳng với tôi rằng họ đã theo dõi quá trình hoạt động từ trước đến nay của tôi, thấy tôi là người có tấm lòng, có sự cởi mở chân thành nên họ mới đến gặp, để xem “sự chân thành của ông ra sao”.

Trong số những người đến gặp đoàn chúng tôi có cả Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải và nhiều người cầm đầu các phong trào cực đoan chống đối từ nhỏ đến lớn. Người trẻ tuổi nhất trong số họ cũng đã trên dưới 60, đều là những người đã trải qua cuộc chiến tranh trong nước, rồi đi ra nước ngoài đã gần 40 năm.

Họ cảm thấy những hoạt động chống đối không đem lại lợi ích gì nhưng họ vẫn chống đối vì cảm thấy không có bờ bến nào khác để neo đậu. Lâu nay chúng ta vẫn giữ quan điểm cứng rắn. Cả hai bên cứng rắn với một bên chống đến cùng còn một bên dứt khoát không bắt tay, không khoan hồng, không hòa giải nên cứ xa cách nhau mãi, tạo ra sự hận thù kéo dài giữa một bộ phận cộng đồng người Việt ở nước ngoài với trong nước. Đất nước chúng ta đã thống nhất về mặt địa lý, nhưng trong thực tế nơi này nơi kia lòng dân vẫn chia cắt.

Chia cắt của thế hệ những người trực tiếp tham gia chiến tranh ở hai chiến tuyến đối lập nhau còn dễ hiểu, nhưng không nên để những thế hệ sau này, những người không trải qua chiến tranh mà chỉ nghe cha ông mình nói lại rồi vẫn giữ hận thù. Mối thù oán mãi mãi sẽ làm đất nước yếu đi.

Cả hai bên từng cứng rắn, nhưng đã và đang bắt tay nhau. Chúng ta cần chính sách hòa hợp, hòa giải như thế nào, thưa ông?

Đế quốc Mỹ đã gây ra bao đau thương tang tóc cho nhân dân hai miền Nam Bắc. Thế mà đối với Mỹ chúng ta còn khép lại quá khứ, khép lại một trang sử rất đau thương để nhìn về tương lai hòa bình, ổn định và hợp tác. Vậy tại sao không tha thứ, hòa hợp với những người cùng một dân tộc, cùng một đất nước?

Có thời kỳ họ dựa vào đế quốc Mỹ và mong muốn Bắc tiến để thôn tính miền Bắc nhưng không làm được vì chính đồng minh của họ là người Mỹ cũng bỏ họ. Chúng ta phải chiến đấu giải phóng đất nước. Đó là cuộc chiến không mong muốn và chúng ta đã giành thắng lợi cuối cùng vào năm 1975. 

Chúng ta đã thống nhất hai miền Nam Bắc. Những người miền Nam ra đi lúc đó là những người trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Họ ra đi vì họ không hiểu chế độ mới sẽ ra sao, họ nghe quá nhiều những điều tuyên truyền bậy bạ ghê gớm về chủ nghĩa Cộng sản. Họ vì lo sợ mà tự ra đi chứ không ai đuổi họ. 

Vì thế hiện nay mới có cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, riêng ở Mỹ có hơn 2 triệu người. Trong số đó, đại đa số là bà con yêu nước và đã về nước, còn lại rất ít những người vẫn nuôi tư tưởng hận thù từ năm 1975 đến giờ. 

Bởi vì họ không muốn hiểu về thực tế đất nước và quá nặng với quá khứ. Họ không hiểu thực tế, không hiểu sự chính nghĩa của cuộc chiến tranh mà chúng ta đã giành thắng lợi. Cho nên họ mang nặng sự hằn thù cá nhân, cộng với sự bảo thủ, dẫn đến đối kháng với đất nước.

Chính sách hòa hợp, hòa giải cần bước đi cụ thể, cần tình cảm chân thành dành cho bà con cô bác, những người luôn mặc cảm rằng họ đã mất hết sau cuộc chiến, luôn mặc cảm rằng họ không có đất nước, Tổ quốc Việt Nam nữa bởi vì họ đã phải bỏ Tổ quốc ra đi.

Nếu chúng ta không chủ động hòa giải, không chìa tay, chủ động mở rộng vòng tay với tấm lòng nhân ái thì bà con cô bác vẫn mang tư tưởng mặc cảm, tự ti, đây đó có những người tủi thân vì nghĩ rằng họ bị bỏ rơi, nên càng đi vào con đường cực đoan, sẽ càng bảo thủ, cố chấp hơn nữa.

Thứ trưởng nói rằng, để thể hiện sự chân thành cũng cần lòng dũng cảm lớn. Xin ông nói rõ hơn về điều này?

Nếu chúng ta cũng tự ái, tự thỏa mãn với chiến thắng của mình mà không có những bước đi cởi mở thực sự để hòa giải, hòa hợp thì không bao giờ chữa lành được vết thương chiến tranh trong lòng họ. Sự hận thù, nuối tiếc quá khứ, suy nghĩ lệch lạc về chế độ đương đại ở Việt Nam đã khiến họ càng trở nên cực đoan, bảo thủ.

Một khi họ đã hiểu, đã thay đổi thì ai cũng muốn có cội nguồn, trong sâu thẳm của họ đều có hai chữ Việt Nam. Nhưng để họ trở về như thế nào để họ cảm thấy không tủi thân, không áy náy thì dứt khoát chúng ta phải đặt cho họ nền móng để cho họ trở về với danh dự, với tấm lòng yêu thương đất nước, trở về với mong muốn hòa giải, hòa hợp thực sự.

Nếu chúng ta áp đặt, khiên cưỡng, thì sẽ không khiến họ phục. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, như ở nghĩa trang Biên Hòa. Hiện nay rất nhiều người thiếu thông tin. Vừa rồi tôi phê phán ông Nguyễn Tấn Lạc, Chủ tịch của cái gọi là Hội Cộng đồng Việt-Mỹ Nam California. 

Ông ta không hiểu nên vẫn nói rằng, chúng ta ngăn cấm, cản trở ở nghĩa trang Biên Hòa, nhưng thực tế nghĩa trang này đang trở nên ngày càng khang trang, đẹp đẽ nhờ chúng ta có chính sách cởi mở.

Tôi là một trong những người tiên phong. Khi tôi đến thắp nhang tại nghĩa trang Biên Hòa, đã có nhiều người lên án, đòi đưa tôi ra xử lý, rằng tại sao một thứ trưởng đương nhiệm, một quan chức cao cấp lại đến thắp hương tại nghĩa trang của quân đội chính quyền Sài Gòn trước đây. Nhưng nhờ những hành động như vậy mà nhiều người Việt ở hải ngoại chịu gặp, tiếp xúc với tôi. 

Nếu chúng ta không dám làm những việc dũng cảm mà chỉ nói theo cứng nhắc thì trong nước cũng ít người nghe, chứ không nói đến bà con ở hải ngoại.

Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo

Theo ông, còn những vấn đề gì mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, những người còn giữ tư tưởng hận thù nói riêng vẫn quan ngại?

Dũng cảm, chân thành để hóa giải thù hận ảnh 1

Sức sống Trường Sa

Một trong những vấn đề bà con rất quan tâm, kể cả những người còn giữ tư tưởng hận thù, là quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Chính vì vậy, đã ba năm nay chúng tôi tổ chức ba đợt đưa kiều bào ra thăm Trường Sa. Năm nay, chúng tôi muốn có bước đi cụ thể để chứng minh cho bà con cô bác thấy rằng, chúng ta đang mong muốn hòa hợp, hòa giải thực sự. 

Chúng ta mong muốn đánh giá mọi vấn đề một cách khách quan, công bằng, nên chúng tôi đã quyết định lần này sẽ đưa bà con cô bác ra thăm Trường Sa, trong đó chúng tôi đã vận động một số người chống đối quyết liệt để họ ra Trường Sa tận mắt chứng kiến thực tế biển đảo chúng ta đang giữ được, thực tế hằng ngày đang diễn ra trên các hòn đảo thuộc chủ quyền của chúng ta, thực tế quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo đến cùng. Đó là sức mạnh của lực lượng vũ trang chúng ta, là tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh bảo vệ đất nước, biển đảo của Tổ quốc. 

Chúng ta muốn chứng minh cho hơn 4,5 triệu kiều bào rằng, chúng ta đang làm thay họ với niềm tin, quyết tâm chắc chắn là không bao giờ để mất chủ quyền biển đảo. Chúng ta không dâng biển bán đất cho ai, mà chỉ đòi lại những thứ đã bị chiếm giữ trái phép bằng biện pháp hòa bình.

Dũng cảm, chân thành để hóa giải thù hận ảnh 2

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: Trúc Quỳnh

Nếu chúng ta cũng tự ái, tự thỏa mãn với chiến thắng của mình mà không có những bước đi cởi mở thực sự để hòa giải, hòa hợp thì không bao giờ chữa lành được vết thương chiến tranh trong lòng họ”.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn

Trong chuyến đi Trường Sa lần này, chúng tôi cũng sẽ có một bước đi rất mạnh dạn là sẽ tổ chức một lễ cầu siêu tại đảo Trường Sa lớn cho những anh hùng liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như những sĩ quan, binh lính quân lực Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. 

Họ cũng là con dân Việt sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà tổ tiên để lại từ lâu đời. Chúng ta phải vinh danh, cầu siêu để họ được siêu thoát. Họ cũng như những anh em của chúng ta đã hy sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988. 

Tôi cho rằng, đó đều là những sự hy sinh rất xứng đáng vì toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Xương thịt họ đã hòa vào biển, trở thành một phần của lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. 

Chúng ta mang hơi ấm đất liền, mang tình thương của dân tộc để sưởi ấm cả vùng biển đảo Tổ quốc, sưởi ấm cho linh hồn của họ để linh hồn họ được siêu thoát. Chúng ta cầu siêu theo nghi lễ dân tộc, theo tôn giáo từng là quốc giáo của nhiều triều đại.

Lễ cầu siêu lần này còn hướng tới cả đồng bào bị nạn trên biển mà ta từng gọi là thuyền nhân, có thể nói là một dịp chưa từng có. Xin Thứ trưởng cho biết tại sao?

Lễ cầu siêu lần này còn cầu siêu cho cả những anh em, bà con cô bác đã ra đi trong những năm 70, 80 và đầu 90 thế kỷ trước mà chúng ta vẫn quen gọi là “thuyền nhân”. Họ ra đi vì không hiểu chế độ, vì hoàn cảnh khó khăn, vì hoảng loạn tinh thần. Đã có thời kỳ chúng ta coi việc ra đi đó là việc có tội với đất nước. Nhưng thực tế chúng ta phải đánh giá thấu đáo việc họ ra đi. Hầu hết họ ra đi không phải vì hận thù đất nước, mà vì cuộc sống quá khó khăn.

Dũng cảm, chân thành để hóa giải thù hận ảnh 3

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân với các kiều bào tại chùa Trấn Quốc dịp Tết Ông Công, Ông Táo xuân Giáp Ngọ 2014 (ngày 23/1/2014). Ảnh: TTXVN

Thực tế là đa số bà con ra đi được gọi là “thuyền nhân” và đã thành đạt đều hướng về đất nước. Hầu hết những người ra đi mà chúng tôi gặp ở Canada, Mỹ, Anh, Úc, Bỉ… đều là những người sẵn sàng trở về xây dựng đất nước. Họ không có khái niệm hận thù vì lúc ra đi, họ chỉ muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.

Tư duy của chúng ta với những người đó bây giờ đã khác. Chúng ta thông cảm, thương họ, đồng cảm với những khó khăn của họ khi phải bươn chải, đương đầu với sóng gió, khắc nghiệt của thiên nhiên, gặp hải tặc, rất nhiều trục trặc trên đường đi khiến nhiều người bỏ mạng, mất cả gia đình.

Đề xuất bỏ những từ ngữ không thích hợp

Đảng và Nhà nước đã xác định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc, bất kể trước đây họ ra đi vì lý do gì. Vậy đã gần 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, những từ ngữ mang tính phân biệt như “ngụy quân, ngụy quyền” có nên được tiếp tục sử dụng trong sách giáo khoa, tài liệu chính thống?

Theo cá nhân tôi thì nên bỏ. Tư duy của chúng ta hiện nay đã khác những năm 70. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả thế giới, với các quốc gia khác mà không phân biệt, kỳ thị, huống chi với những người trong cùng dân tộc, một đất nước. Chúng ta đã là những người chủ đất nước với đầy đủ tư cách, chúng ta nhìn nhận quá khứ đúng theo truyền thống của tổ tiên ông bà chúng ta, là bằng đại nghĩa, trí nhân. 

Theo tôi, thay vì những từ ngữ như “bè lũ phản động”, chúng ta nên gọi là họ những người còn có tư tưởng đi ngược lại với lợi ích đất nước hoặc chưa hiểu hết tình hình đất nước; thay vì gọi họ là “ngụy quân, ngụy quyền” chúng ta nên gọi là “những người dưới chế độ cũ” theo đúng bản chất. Chúng ta không nên đẩy họ ra xa mà nên kéo họ lại gần. 

Nếu chúng ta vẫn gọi họ là “bè lũ phản động”, “ngụy quân, ngụy quyền” thì hố ngăn cách sẽ mãi tồn tại, vết thương mãi mãi rỉ máu. Tôi mong muốn tới đây, ngành giáo dục Việt Nam sẽ xem xét, biên soạn lại bộ sách giáo khoa để bỏ những ngôn từ không thích hợp, gây chia rẽ lâu dài, để không còn tư tưởng hận thù chiến tranh trong thế hệ trẻ sau này.

Cảm ơn ông.

Lần này chúng ta mời cả một số người có tư tưởng hận thù, chống đối gay gắt ra thăm Trường Sa. Có phải họ đã tâm phục khẩu phục?

Một trong những thành công của chuyến đi của chúng tôi vừa qua là thuyết phục bằng tình cảm chân thành, bằng bước đi cụ thể cả trong nước và nước ngoài để một số người trở về nhằm kiểm nghiệm một thực tế là chúng ta đang bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi còn mời cả hai phu nhân của Hạm trưởng tàu Nhật Tảo, Trung tá Ngụy Văn Thà (người đã chỉ huy chiến hạm Nhật Tảo bảo vệ Hoàng Sa) và Hạm phó Nguyễn Thành Trí, hai người đã hy sinh ở Hoàng Sa. Chúng tôi mời họ về để họ thắp nén nhang tưởng niệm những người thân, người chồng yêu quý của họ đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa đến cùng. 

Họ có quyền tự hào về những chiến công, thành tích của người thân của mình. Họ cũng sẽ tận mắt chứng kiến tình cảm chân thành, bước đi cụ thể mà chúng tôi đang tiến hành để dẫn tới đích cuối cùng là xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải dân tộc, chứ không phải bằng hành động giả tạo hay giáo điều.

Trong đoàn về lần này còn có Thiếu úy Thủy quân lục chiến Nguyễn Ngọc Lập đang ở quận Cam - thủ phủ của những người chống Cộng. Qua ba lần gặp gỡ, tôi đã thuyết phục ông Lập trở về để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước, tận mắt chứng kiến những việc chúng ta đang làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, trực tiếp cảm nhận tình cảm của nhân dân trong nước sau 39 năm xa cách.

Ông Lập từng là người luôn dẫn đầu trong các phong trào chống Cộng, nhưng cũng là người yêu nước và rất hiểu biết, nên qua những lần tiếp xúc với chúng tôi, nhìn nhận đánh giá những việc chúng tôi đang làm, ông ấy thấy rằng, chúng ta đang làm những việc đúng. Ông ấy đã thấy ân hận, áy náy vì trong thời gian qua đã tham gia vào quá nhiều phong trào chống Cộng cực đoan. 

Tôi cho rằng, ông Lập trở về lần này với tư tưởng thoải mái, cởi mở và đặt hy vọng vào thành công của chính sách đại đoàn kết dân tộc của chúng ta. Ngoài ra, còn có một số nhà báo hoạt động trong các tổ chức chống Cộng, thủ lĩnh của một tổ chức chống Cộng rất mạnh như ông Đức “đầu bạc” ở Texas. 

Trong đoàn về lần này còn có một số người trong gia đình chống Cộng, không mong muốn tiếp xúc với chúng ta, nhưng qua quá trình gặp gỡ, vận động của chúng tôi, họ cảm thấy có niềm tin và mong muốn trở về.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.