Đưa văn chương Việt ra thế giới: Cần minh bạch!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau hai bài viết: “”Giải mã” Văn học Thế giới Rahim Karim 2022 (TPCN, 4/12/2022) và “Dịch vụ” dịch văn học Việt (TPCN, 11/12/2022), tác giả “Đàn bà xấu thì không có quà”, nhà văn Y Ban, lên tiếng: Đưa văn học Việt ra nước ngoài theo hình thức tự phát của một nhóm nhỏ rất cần “Minh bạch. Minh bạch và… Minh bạch”.

Chỉ có sự rõ ràng mới giúp hoạt động quảng bá văn chương Việt tránh được những chuyện “cười ra nước mắt” và không làm xấu diện mạo văn chương nước nhà trong mắt độc giả quốc tế.

Không muốn đăng nữa vì xấu hổ quá!

Mấy hôm trước tôi nhận được tin nhắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi qua Zalo. Nội dung như sau: “Tôi chất vấn nhà văn K.B.H và đòi Hội Nhà văn trả lời vụ này, K.B.H trả lời loanh quanh và chặn messenger”. Tôi đã điện thoại hỏi chuyện ông.

Đưa văn chương Việt ra thế giới: Cần minh bạch! ảnh 1

Dịch giả Phan Thanh Hảo

Sau loạt bài trên TPCN vừa qua về giải thưởng quốc tế và cách đưa văn học Việt ra thế giới, trong đó nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi là một trong những nhân vật được nêu, ông đã liên lạc với nhà văn K.B.H, đầu mối của những việc này. Đoạn hội thoại giữa hai người được nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi tường thuật: “Cô ấy bảo, báo chí không đủ thông tin, lâu nay nhiều nước cũng làm thế. Giới thiệu, quảng bá văn học ra nước ngoài không có nhuận bút, không có gì hết. Nhà văn K.B.H còn hẹn, khi nào tôi ra Hà Nội sẽ mời tôi cà phê. Tôi nói: Nếu không trả lời rõ ràng về chuyện đưa tác phẩm của tôi ra nước ngoài, tôi sẽ chất vấn Hội Nhà văn Việt Nam, đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam trả lời. Thế là messenger của tôi bị chặn”.

Tôi hỏi nhà văn xứ Nghệ: Vì sao ông không hỏi rõ vấn đề nhuận bút trước khi chuyển bài vở? Ông đáp: “Tôi có hỏi “người dẫn đường” là nhà thơ T.T.H. Chị ấy bảo: Vấn đề này tế nhị, nhạy cảm nên không ai dám hỏi đâu. Tôi lại hỏi K.B.H, K.B.H trả lời: Không có nhuận bút, người ta quảng bá cho là tốt rồi. Tôi lại hỏi tiếp: Làm thế nào để biết tác phẩm của tôi được lên mặt báo? K.B.H trả lời, tôi xem đường dẫn (link) sẽ thấy.

Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi tiếp tục: “Nhà thơ T.T.H bảo tôi gửi truyện, tôi gửi 4 truyện. Thế là người ta dịch và bảo công dịch mỗi truyện ngắn là 1,5 triệu đồng. Sau tôi thấy đăng 1 truyện của tôi trên trang điện tử, tôi chuyển 1,5 triệu đồng. Nhưng một cô khác ở trong nhóm lại đề nghị chuyển cho cô ấy hết số tiền dịch truyện để cô ấy vào sổ. Tôi không đồng ý mà hứa, khi nào đăng thêm thì tôi mới chuyển. Sau đó, tôi thấy đăng tiếp truyện nữa nên chuyển luôn 6 triệu đồng. Rồi T.T.H lại bảo, người ta thích truyện của anh lắm, muốn phỏng vấn anh, anh có đồng ý không? Tôi đồng ý, người ta gửi câu hỏi về cho tôi, tôi trả lời xong thì T.T.H lại giục tôi chuyển 1,5 triệu đồng nữa. Tôi đâu biết được phỏng vấn cũng phải mất tiền?”. Kể đến đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi buông một câu: “Tôi vẫn còn 2 truyện nữa chưa được đăng. Nhưng cũng không muốn đăng nữa vì xấu hổ quá”. Trước khi chia tay nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi, tôi hỏi câu cuối: “Tại sao ông không tìm hiểu kỹ khi đưa những “đứa con tinh thần” của mình xuất ngoại?”. Nhà văn đáp: “Thì thế, cái sai của mình là ở chỗ đó. Vì tôi thấy K.B.H bảo đây là việc của Ban Đối ngoại, Hội Nhà văn, nên tôi tin”.

Tôi lại “gõ cửa” nhà thơ Nguyễn Thanh Kim. “Nghe nói, ông đã có tác phẩm xuất ngoại?”, tôi hỏi. Nhà thơ sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh xác nhận: “Khoảng năm 2019, 2020 gì đó, để tôi xem lại”. Người giúp đưa tập thơ Nguyễn Thanh Kim bay sang Romania cũng chính là nhà văn K.B.H. “Ông có hài lòng với hiệu ứng xuất ngoại của tập thơ?”, tôi hỏi tiếp. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim cho rằng, chữ Romania ít người biết nên hiệu ứng chưa cao: “Tập thơ của tôi không được dịch thẳng mà chuyển ngữ qua bản tiếng Anh, cũng do K.B.H kết nối. Tập thơ này cũng được giới thiệu trong sự kiện văn hóa tại Phố Sách, Bucharest, Romania”. Theo nhà thơ, việc dịch thuật và đưa văn chương Việt ra nước ngoài do nhóm tư nhân làm cũng được song cần phải chọn lọc tác giả hơn nữa: “Giới thiệu thế này hơi tràn lan. Chất lượng không cao. Mặc dù, K.B.H là Phó ban Đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam nhưng hoạt động này chỉ của một nhóm thôi, không đại diện cho Hội Nhà văn được. Trước đây, giới thiệu văn học ra nước ngoài khó khăn chứ không phải cứ thích là giới thiệu đâu”, ông nói. (Phóng viên xin đính chính giùm: Hội Nhà văn Việt Nam chưa có Phó ban Đối ngoại. Vị trí này vẫn ở thì tương lai gần). Và một vấn đề khác ông muốn đề cập: “Phụ phí cho việc dịch và xuất bản không phải ít tiền”. Tôi đề nghị ông “bật mí” cụ thể số tiền để “đứa con tinh thần” được xuất ngoại nhưng ông từ chối.

Muộn còn hơn không, đau đớn cũng phải mổ xẻ

Tôi tìm đến Y Ban vì những “đứa con tinh thần” của chị đã có dịp chu du thế giới. Theo Y Ban, hoạt động đưa văn chương Việt ra biển lớn tự phát cũng được. Quan trọng là: Đừng “mập mờ đánh lận con đen” sẽ khiến mất nhiều hơn được. Chị nói: “Đừng nói tự phát không ảnh hưởng gì. Đây là cuộc chơi ra biển lớn dù chỉ là đưa tác phẩm lên trang web vì điều này sẽ khiến người ta, đặc biệt những nhà nghiên cứu văn học Việt ở nước ngoài, đánh câu hỏi: Văn chương Việt là thế này ư?”.

Đưa văn chương Việt ra thế giới: Cần minh bạch! ảnh 2
Nhà văn Y Ban

Trong thời gian này, trong giới văn chương cũng ồn lên quanh tập sách được dịch ra tiếng Anh (chưa rõ ai dịch) nhưng ngay từ bìa và những trang đầu không khó khăn gì đã nhận thấy ngay những lỗi sơ đẳng. Điều đáng nói là tác giả này dính nghi án đạo Văn trong quá khứ và đã bị loại khỏi danh sách kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm ấy.

Y Ban cho rằng, “muộn còn hơn không, đau đớn cũng phải mổ xẻ” với hoạt động tự phát này: “Bao nhiêu công lao quảng bá văn học Việt ra nước ngoài của Hội Nhà văn, mất bao nhiêu tiền của đã bị ảnh hưởng. Chọn được tác giả đưa ra nước ngoài cực kỳ khó khăn, chẳng được mấy cuốn, thế mà bây giờ lại ồ ạt như vậy? Chưa kể, đọc về giá dịch thuật theo sự chia sẻ của các nhà văn trong bài viết trước trên TPCN tôi thấy đau xót quá: 200 ngàn đồng/bài thơ; 1,5 triệu đồng/truyện ngắn. Quá thương cho người dịch, dịch không dễ dàng và rẻ mạt như thế đâu”.

Chúng tôi đã mời dịch giả K.B.H đến toà soạn báo Tiền Phong để trao đổi thêm về hoạt động của nhóm dịch giả. Bà K.B.H hẹn một thời điểm vào tuần sau, và có gửi một email với nhiều bài các báo đã đăng về thành tích quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài của nhóm. Chúng tôi đã nghiên cứu các bài báo trên và không có bình luận gì về sự đúng/ sai trong đó. Tuy nhiên, những thông tin mà TPCN đưa trong 2 số báo gần đây là thông tin mới, không liên quan đến nội dung các bài báo mà bà K.B.H gửi đến.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – khi nhận được đề nghị trả lời phỏng vấn về vấn đề dịch thuật văn chương hiện nay, ông có hẹn sẽ viết bài cho TPCN nêu rõ quan điểm. Tuy nhiên, đến phút cuối, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã không viết kịp bài vì lý do “quá bận”. Ông nhắn tin “nhiều vấn đề tôi cần phải viết có thể in fb hoặc báo nào đó, ông cứ làm những gì cần cho báo Tiền Phong đi nhé, đừng chờ tôi”. TPCN

Dịch khó hơn viết

Là khẳng định của dịch giả Phan Thanh Hảo. Bà chia sẻ về chuyện bếp núc của công việc này: “Bình thường một trang dịch, như sách của Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng mà ngày xưa chúng tôi làm, cứ 10 USD/trang, từ những năm 90. Hồi đó 10 đô la rất có giá trị. Không thể nào dịch mà không có người bản ngữ biên tập lại. Quyển của Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải được đưa vào triển lãm sách tại thư viện Trường Massachusetts hoặc đưa vào làm tài liệu học tập cho sinh viên Mỹ, nếu tôi dịch mà không có nhà văn Mỹ Wayne Karlin biên tập thì tôi cũng không tự tin. Tôi thú thật như vậy. Hoặc nếu tôi viết bằng tiếng Anh thì cũng phải nhờ một nhà báo Mỹ, bạn tôi biên tập lại. Nếu sử dụng công nghệ để dịch thì chỉ ít thời gian là xong nhưng không có linh hồn. Vừa rồi, tôi làm cuốn “Suối cọp” của nhà văn Hữu Ước. Tiểu thuyết có chi tiết các trận đánh. Cho nên tôi phải nhờ một cựu chiến binh Mỹ đã từng có mặt ở trận đánh ấy, giai đoạn ấy, giúp cho”.

Theo nữ dịch giả, một bài thơ, một truyện ngắn để dịch ra tiếng Anh thì “nhiều người có thể dịch được” nhưng để độc giả Anh hay Mỹ đọc và hiểu tác phẩm thì không thể không có người bản ngữ có chuyên môn biên tập giúp: “Dịch khổ hơn viết nhiều”, bà kết luận. Dịch giả Phan Thanh Hảo còn “bật mí”: “Nhà văn Hồ Anh Thái rất giỏi tiếng Anh nhưng bạn ấy không dịch “Những người đàn bà trên đảo” mà để tôi dịch. Chính tác giả cũng ngại viết lại sang tiếng Anh. Với “Những người đàn bà trên đảo” của Hồ Anh Thái, tôi cũng phải nhờ một giọng văn nữ, am hiểu phụ nữ, biên tập lại. Rất kỳ công, không đơn giản”.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.