Phát biểu tham luận ở phiên toàn thể chiều 17/12 tại Hội thảo Văn hóa năm 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, anh Bùi Quang Huy nêu, trong quá trình toàn cầu hoá và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang phát triển và khẳng định hơn vị thế của mình trên trường quốc tế.
“Tuy nhiên, đi cùng với đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong việc giữ vững những giá trị văn hoá mang tính bản sắc của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh của sự phát triển và quảng bá văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Nhiệm vụ đó có trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ, những người được thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, đồng thời là những người có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc”, anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh.
Thanh niên bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn điểm qua một số việc làm của tuổi trẻ trong bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Đó là, tăng cường giáo dục thanh niên ý thức trân trọng các giá trị văn hoá dân tộc, định hướng xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, nền tảng là những giá trị, đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam với những giá trị cốt lõi “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”. Nâng cao lòng tự hào dân tộc thông qua việc đổi mới các hoạt động giáo dục truyền thống, nhất là trên không gian mạng, vận động thanh niên và nhân dân đấu tranh bài trừ, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng bản đồ số các di tích lịch sử của Đoàn và thanh niên...
Tuổi trẻ tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo và chuyển đổi giá trị văn hoá thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Ngày càng có nhiều sản phẩm văn hoá made in Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
Phiên toàn thể chiều 17/12 tiếp tục làm rõ các khung thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. |
“Ngày càng có nhiều ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. Các cấp bộ đoàn đã tăng cường các hoạt động tạo môi trường cho thanh niên tham gia vào quá trình chuyển đổi giá trị văn hoá thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa; giúp thanh niên khởi nghiệp từ văn hoá; thông tin, tuyên truyền đối ngoại để quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam”, anh Bùi Quang Huy nêu.
Tuổi trẻ cũng tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hoá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên Việt Nam với nòng cốt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò xung kích đấu tranh chống lại các sản phẩm, thông tin xấu độc, lai căng, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch. Các cấp bộ đoàn đã phát động và tổ chức hiệu quả cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội”, góp phần thực hiện chủ trương đưa thông tin tích cực trở thành luồng thông tin chủ đạo trên mạng xã hội, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”.
Nâng cao sức đề kháng
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, anh Bùi Quang Huy cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, lãng quên, thờ ơ với văn hóa truyền thống, có cách nghĩ và lối sống thực dụng, đề cao vật chất.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn xác định một số nhiệm vụ để nâng cao sức đề kháng cho thanh thiếu nhi. Trước hết là tăng cường giáo dục cho thanh thiếu niên về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức về sứ mệnh, trách nhiệm xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Nâng cao sức đề kháng của thanh thiếu nhi đối với các sản phẩm văn hóa ngoại lai độc hại, tăng cường tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.
Thanh niên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên xung kích đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, văn hóa số, tiếp tục sáng tạo không ngừng để xây dựng các sản phẩm văn hóa mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trên nền tảng văn hóa truyền thống và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn nêu cao vai trò của thanh niên trong bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. |
Tăng cường nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành với thanh niên trong chinh phục ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng cộng đồng kết nối giữa các doanh nghiệp và đoàn viên, thanh niên trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nghiên cứu lựa chọn mũi nhọn trong ngành công nghiệp văn hóa để tuổi trẻ triển khai như: du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, làng nghề truyền thống thanh niên; nghệ thuật truyền thống,…
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc vận động, chương trình để tăng cường đưa thông tin tích cực đến thanh niên và xã hội với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu", làm lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội. Tạo ra các trào lưu, xu hướng lành mạnh trên mạng xã hội trong thanh niên, đấu tranh đẩy lùi các thông tin, trào lưu, xu hướng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ.
Dịp này, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng quan tâm một số nội dung để thanh niên phát huy vai trò trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
“Xây dựng chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để tạo lập các thiết chế văn hóa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tổ chức Đoàn các cấp mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hệ thống thiết chế văn hóa của Đoàn và tổ chức các sân chơi, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao bổ ích cho thanh thiếu nhi”, anh Bùi Quang Huy nói.
Bí thư thứ nhất Bùi Quang Huy hy vọng Đảng, Nhà nước tạo chính sách đột phá trong phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài, đặc biệt là tài năng trẻ Việt Nam. Xây dựng chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, ban hành chính sách đảm bảo thúc đẩy các doanh nghiệp văn hóa phát triển, ưu tiên các công ty bản địa trên không gian mạng, đầu tư để tạo ra các “kỳ lân” văn hóa thuần Việt Nam, để kinh tế văn hóa có vai trò dẫn dắt và tạo vị thế cho nước nhà.
Bên cạnh đó là việc thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho nhân dân nói chung và thanh thiếu nhi nói riêng. Xây dựng và ban hành bổ sung các văn bản, quy định để hỗ trợ phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa trong nước.