'Giải mã' Giải Văn học Thế giới Rahim Karim 2022

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều bạn bè làng “phây” và một số độc giả yêu văn chương bất ngờ khi nhà văn Nguyễn Trọng Luân khoe trên trang cá nhân: “Được đề cử giải thưởng văn học thế giới năm 2022.

Chưa biết ra sao cứ vui và khoe cái đã”. Theo chia sẻ từ nhà văn Nguyễn Trọng Luân, ở Việt Nam có 11 nhà văn, nhà thơ được đề cử, trên tổng số hơn 400 đề cử của giải thưởng này. Giải thưởng Nobel mang lại triệu đô cho người thắng giải còn giải thưởng văn chương thế giới 2022 (theo cách gọi của nhà văn Nguyễn Trọng Luân) thì chưa biết ra sao. Tác giả “Rừng đói” đoán: “Chắc có cái giấy chứng nhận và gói sô cô la”.

Thiếu “đô” nhưng lại có huy chương

Có khi Nguyễn Trọng Luân còn đoán sai về gói sô cô la cho người thắng giải. Người làm cầu nối đưa các nhà văn Việt Nam đến giải thưởng này, nhà văn Kiều Bích Hậu, cho biết: “Giải thưởng chỉ mang tính chất động viên, không có tiền mặt. Người thắng giải được công bố, được trao văn bằng và huy chương”. “Có nhà văn nào từ chối đề cử không?”, tôi hỏi Kiều Bích Hậu. Chị khẳng định: “Không ai từ chối đề cử”.

Giải thưởng văn chương thế giới (hay quốc tế) 2022 đang làm nhiều nhà văn vui mừng, trông ngóng ấy năm nay mới được xét lần đầu, tên đầy đủ: “The World Literature Award from Rahim Karim 2022” (tạm dịch: Giải thưởng văn học thế giới Rahim Karim 2022). Một tổ chức văn học tư nhân của Kyrgyzstan đứng ra xét giải. Rahim Karim (Karimov) là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, dịch giả, sinh năm 1960, tại Osh, Kyrgyzstan. Bảng thành tích của Rahim Karim do nhà văn Kiều Bích Hậu cung cấp dài cả trang giấy. Xin lược trích: Đoạt giải Vàng văn học (Ethiopia), Giải thưởng của Hiệp hội các nhà văn nói tiếng Anh quốc tế (Ấn Độ); “Tác giả của năm-2019” (Hà Lan); “Tác giả của năm-2019 (Montenegro)… Ông cũng từng được Viện Hàn lâm Văn học Thế giới trao tặng “Văn bằng quảng bá văn học thế giới” (Sách kỷ lục Guinness). Rahim Karim là tác giả của 60 cuốn sách thơ và văn xuôi sáng tác, dịch thuật.

Một trong những gương mặt được đề cử ở giải thưởng này chính là nhà thơ Vũ Thanh Hoa. Giống như nhà văn Nguyễn Trọng Luân, nhà thơ Vũ Thanh Hoa đã chia sẻ niềm vui cuối năm lên trang cá nhân. Bà nói với phóng viên: “Tôi thấy rất vinh dự, bất ngờ. Tôi đã tìm hiểu kỹ về nhà thơ, nhà văn, nhà báo Rahim Karim, ông ấy rất nổi tiếng. Tôi không nghĩ mình được vinh dự như vậy. Được đề cử thôi tôi đã thấy vui mừng và bất ngờ. Đến ngày 31 tháng 12 mới trao giải, tôi không dám hi vọng nhiều. Bởi vì những người được đề cử đến từ nhiều quốc gia có nền văn học để lại nhiều dấu ấn”. Cũng như nhà văn Nguyễn Trọng Luân, nhà thơ Vũ Thanh Hoa chưa được thông báo về giá trị vật chất của giải thưởng: “Sau khi xem tiểu sử nhà thơ, nhà văn Rahim Karim tôi biết chắc chắn anh không phải triệu phú hay tỷ phú cho nên tôi nghĩ giá trị giải thưởng chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Mà họ là những người hoạt động văn nghệ có tiếng, có bề dày nên giá trị về tinh thần cũng không phải nhỏ bé lắm đâu, cũng vinh dự đấy”.

Trong số 11 nhà văn Việt Nam được đề cử nhà thơ Vũ Thanh Hoa đặc biệt chú ý đến thi sĩ Phan Hoàng. Phan Hoàng từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. Hiện nay, anh đang là UVBCH Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi kết nối với nhà thơ Phan Hoàng, anh cũng lơ mơ về giải thưởng này: “Nghe nói một ban văn học ở châu Âu chứ không phải ở Việt Nam đề cử. Giải thưởng quốc gia hay sao đó? Kiểu như Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn theo dõi các nhà văn thế giới rồi trao giải hàng năm. Nói chung tôi cũng chưa rõ. Bạn có thể hỏi nhà văn Kiều Bích Hậu”. Tâm trạng của nhà thơ Phan Hoàng khi có mặt trong danh sách 430 đề cử từ 100 quốc gia trên thế giới: “Cũng vui vui, đề cử thế thôi chứ khó mà đoạt giải quốc tế. Tôi vui nhất là thơ tôi năm vừa qua được giới thiệu ở 10 nước trên thế giới, từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Tôi cũng chưa nghe nói đến giá trị vật chất của giải thưởng”.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân dù khoe rộn ràng trên trang cá nhân về đề cử, song anh cũng chưa đi sâu tìm hiểu: “Giải văn học thế giới này hình như của cái nước gì đó, Kyrgyzstan thì phải!”. Ông cho rằng, mình được đề cử vì cuốn tiểu thuyết “Rừng đói” của ông được in năm nay tại Canada và phát hành ở khu vực Bắc Mỹ: “Nhà xuất bản in cuốn đó cũng chọn “Rừng đói” để trao giải xuất sắc năm nay”. Cha đẻ “Rừng đói” cũng không nhớ được tên của nhà xuất bản nước ngoài sẽ in sách mình, cũng không nhớ nổi tên của người sáng lập giải văn chương thế giới, nhà thơ Rahim Karim. Ông thích thú khi ban tổ chức gửi ông tấm hình của người được đề cử, trong đó có tên ông, mặt ông lại còn có cả cờ Việt Nam nữa!

Chỉ lè tè đầu ngọn cỏ?

Nhà văn Kiều Bích Hậu khẳng định: Việc chị bắc cầu giúp các nhà thơ, nhà văn Việt Nam tiếp cận Giải thưởng văn học thế giới Rahim Karim 2022 hoàn toàn với tư cách cá nhân, không liên quan đến nhiệm vụ chị đang nắm hiện nay, chuyên viên Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Nói cách khác, Hội Nhà văn Việt Nam không trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan giải thưởng này. Phóng viên hỏi: Tầm vóc quy mô của giải thưởng mang tên Rahim Karim liệu có đáng kể hay không? Nhà văn Kiều Bích Hậu đáp: “Giải mới lần đầu tổ chức nên chưa thể đánh giá chính xác tầm ảnh hưởng của nó”. Theo chị những giải thưởng quốc tế gọi tên một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong những năm qua, do một quốc gia trao hoặc một khu vực trao, là điều đáng kể, góp phần khuyến khích, động viên các tác giả Việt Nam cố gắng hội nhập, bớt tự ti rằng, chẳng ai biết đến và đánh giá văn học Việt Nam.

'Giải mã' Giải Văn học Thế giới Rahim Karim 2022 ảnh 1

Một số nhà văn, nhà thơ được đề cử Giải Văn học Thế giới Rahim Karim 2022

Vẫn với câu hỏi về tầm vóc của Giải thưởng văn học thế giới Rahim Karim 2022, một tác giả nổi tiếng của làng văn Việt đáp: “Cũng lè tè đầu ngọn cỏ thôi. Quan tâm làm gì?”. Nhà thơ này bi quan cho rằng: “Tiếng của mình, nếp nghĩ của mình không ra thế giới được”. Anh còn bảo có nhà thơ được nhận giải quốc tế mà không lọt nổi tư duy của người trong nước. Còn giải của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ là giải của một hãng rượu nước ngoài trao.

Tôi kết nối với nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nói: “Tôi không biết về đề cử giải thưởng văn học thế giới 2022 mang tên Rahim Karim”. Dương Hướng không đánh giá cao những giải thưởng quốc tế mà nhà văn ta nhận được trong những năm qua: “Cũng bình thường thôi. Trừ những giải lớn cả thế giới biết, còn những giải không tiếng tăm thì cũng nhiều. Sự tung hô quanh các giải thưởng quốc tế cũng là lẽ bình thường vì sự quảng bá bây giờ nhiều hướng, nhiều cách lắm. Tôi từng thấy có những tác phẩm rất bình thường vẫn được tung hô”.

Dịch giả Lê Quang bình luận về mấy chữ “quốc tế”, “thế giới” trong các giải thưởng văn học mọc lên như nấm hiện nay: “Cứ 3 nước ngồi lại với nhau thành… quốc tế rồi”. Lê Quang nói nửa đùa, nửa thật: Ở Đức có cả ngàn giải thưởng kiểu ấy. Vì “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Đức lớn. Họ sẽ trích tiền để hỗ trợ sáng tác, trao học bổng, đầu tư giải thưởng. Mỗi doanh nghiệp có một giải nào đó… Chỉ có giải sách Đức, mỗi năm một lần, cả nước biết còn những giải khác thì ít tiếng vang”. Lê Quang có mặt tại Hội chợ sách Frankfurt 2018, chứng kiến nhà văn Việt Nam Nguyễn Ngọc Tư được vinh danh. Ông bày tỏ sự đáng tiếc khi 9/10 tờ báo ở ta đưa tin về sự kiện văn học này đã viết sai chính tả ở tên giải thưởng: “Người ta chơi chữ mà ta lại không hay”. Lê Quang bày tỏ sự yêu mến với văn chương Nguyễn Ngọc Tư và thấy chị xứng đáng được tôn vinh hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở giải tại Hội chợ sách Frankfurt cho cuốn “Cánh đồng bất tận”: “Giải này chỉ những ai đi hội chợ mới biết thôi. Việt Nam xưa nay chỉ có Phạm Thị Hoài và Nguyễn Ngọc Tư nhận được. Nghe thì vinh dự nhưng tầm ảnh hưởng của giải không lớn”.

Ngay “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp đình đám tại Việt Nam cũng được dịch ra tiếng Đức nhưng dịch qua bản tiếng Pháp, tiếng Anh nên “sai toe toét”: “Tóm lại ở Đức vẫn chẳng ai biết Nguyễn Huy Thiệp là ai”, dịch giả kết luận. Văn học Việt Nam không hấp dẫn độc giả Đức. Lê Quang kể: “Viện Goethe ba năm vừa rồi tập trung khai thác tác phẩm của các nhà văn trẻ để in 20 tác phẩm thành cuốn sách độ 200 trang. Tôi, Phạm Xuân Nguyên tuyển chọn, đọc mỏi mắt cũng tìm được 20 tác phẩm, chạy khắp nơi mà không nhà xuất bản nào chịu in, cuối cùng cũng có nơi thương tình in cho, nhưng bỏ mất 10 truyện ngắn, còn 10 truyện ngắn thì sách mỏng tang, khác gì cuốn sổ y bạ đi khám bệnh ở ta? Phải hiểu sách cũng là hàng, mua hàng mà biết không bán được thì ai mua làm gì?”.

Đường tới Nobel văn chương

Dịch giả Lê Quang cho rằng, đường tới giải Nobel văn chương của ta không phải không có hi vọng nhưng cần sự tiếp cận tích cực hơn: “Nền văn học của ta không vĩ đại lắm, ai cũng biết nhưng không kém đến nỗi không bao giờ mơ tới giải Nobel. Vấn đề là trong hội đồng chấm giải có ai nghĩ đến văn chương Việt không? Theo tôi, muốn lọt mắt xanh của người ta thì ít nhất chúng ta phải có 10 năm tham gia đề cử đã”.

Tác giả “Bến không chồng”, nhà văn Dương Hướng, thấy ước mơ vươn ra biển lớn quá tuyệt vời, “cần hướng ra ngoài để quảng bá những thành tựu của mình”: “Tôi đọc các tác phẩm nước ngoài, kể cả tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel vừa rồi mới công bố, thấy cũng bình thường (tất nhiên tôi nghi ngờ công tác dịch thuật). Tôi thấy văn học của mình không kém cạnh. Những tên tuổi xứng đáng theo tôi là Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp…”.

MỚI - NÓNG