Xuất phát từ thực tế đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nhà văn Việt Nam vừa ký kết chương trình phối hợp “Thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá, bên cạnh sự hợp tác trước đó vẫn còn những bất cập trong hoạt động văn học nghệ thuật như: cơ sở pháp lý về quản lý, khuyến khích phát triển văn học, nghệ thuật còn chưa đồng bộ, chưa có văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động văn học. Nhận thức về vai trò của văn học ở nhiều cấp lãnh đạo, quản lý còn chưa đầy đủ, nguồn lực tài chính đầu tư cho văn học còn eo hẹp nên dẫn tới hiệu quả của hoạt động văn học thấp, công tác quản lý nhà nước về văn học còn bất cập, đặc biệt là ở cấp cơ sở, chế độ ưu đãi cho văn nghệ sĩ còn thấp, chưa tương xứng với sức lao động sáng tạo.
“Trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiên cứu tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học phù hợp với thực tiễn. Trước mắt, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện có hiệu quả các hoạt động đề ra trong chương trình phối hợp đã ký kết. Hàng năm, cần tập trung đánh giá cụ thể kết quả đạt được, khắc phục khó khăn để chương trình phối hợp thực sự có hiệu quả” ông Tạ Quang Đông nói.
NSND Nguyễn Quang Vinh, Q. Cục trưởng Cục NTBD (trái) và nhà văn Nguyễn Quang Thiều ký kết chương trình phối hợp phát triển văn học
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chỉ ra thực tế, trẻ em ngày nay càng ngày càng xa rời những điều tốt đẹp, người lớn cũng vậy. Ông đánh giá sự hợp tác quản lý nhà nước về văn học góp phần thực hiện mong mỏi dùng văn học nuôi dưỡng tâm hồn con người, hướng con người tới giá trị tốt đẹp. “Văn chương là con đường cô đọc, tuy nhiên nếu họ biết cộng đồng và bạn đọc đang chờ đợi họ, biết đâu các trang viết khác hơn, lớn lao hơn”, ông nói.
Một số nội dung phối hợp: Cục Nghệ thuật biểu diễn chịu trách nhiệm: tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý nhà nước, hướng dẫn thực hiện về hoạt động sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn học. Áp dụng chính sách cụ thể đổi mới, thể chế hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn học trong chiến lược, quy hoạch dài hạn đến năm 2030. Phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội chuyên ngành xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Đề án “Trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em”…
Hội Nhà văn Việt Nam chịu trách nhiệm: phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn trong việc xây dựng văn bản, chương trình phối hợp, đề án… về hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới. Tập trung huy động nguồn lực để đặt hàng sáng tác tác phẩm văn học đảm bảo chất lượng cao, tổ chức dàn dựng, quảng bá, lựa chọn đặt hàng các tác phẩm văn học với công chúng và phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Tổ chức đặt hàng, tập huấn, đào tạo đội ngũ sáng tác, quản lý. Tổ chức phổ biến, quảng bá văn học. Vận động sáng tạo văn học cấp quốc gia.