PGS-TS Phạm Xuân Thạch:

Tình trạng 'khát quốc tế hóa' của văn chương Việt…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần đây, dư luận được dịp xôn xao với hiện tượng một số nhà văn Việt Nam được đề cử, được trao những giải thưởng "quốc tế", "thế giới". Nhiều người cũng loan báo trong sự tự hào về những bài thơ, truyện ngắn của mình được dịch ra tiếng nước ngoài. Đằng sau hiện tượng này là gì? Tiền Phong trao đổi thẳng thắn với PGS, TS Phạm Xuân Thạch - Chủ nhiệm Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV Hà Nội.

Vừa qua, giới văn chương được dịp ồn ào trước thông tin có 11 nhà văn, nhà thơ Việt Nam được đề cử Giải thưởng văn chương thế giới 2022. Giải có tên tiếng Anh “The World Literature Award from Rahim Karim 2022” ấy năm nay mới được xét lần đầu, do một tổ chức văn học tư nhân của Kyrgyzstan đứng ra. Trên mạng xã hội facebook nhiều nhà văn nhà thơ trong danh sách được đề cử tỏ ra rất vui mừng. Ông có nhận xét gì trước hiện tượng này?

Tôi nghĩ là… cũng vui nhưng không nên vui quá! Vui vì dù sao thì tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ đó cũng có thêm được người đọc (ít nhất là ban giám khảo giải thưởng). Mà văn chương, cứ có thêm người đọc là hay rồi. Nếu không mất gì mà được thêm người đọc như vậy thì tốt quá chứ sao. À, cũng có thể là mất công dịch tác phẩm sang tiếng Anh. Nhưng cũng không sao cả. Vui mà! Nhưng tại sao lại không vui quá? Vì thực ra thì để làm gì? Tôi cứ băn khoăn một điều, thế để dự cái giải ấy thì phải dịch thơ/văn sang tiếng gì nhỉ? Tiếng Anh chăng? Nhưng ở cái nước có ông Rahim Karim ấy người ta dùng tiếng Kyrgiz và tiếng Nga cơ mà. Tôi không biết được. Nếu là tiếng Anh thì chắc là để cho có quy mô thế giới. Nhưng liệu có mấy người biết đến cái giải thưởng và ông nhà thơ này? Nếu là tiếng Kyrgiz hay tiếng Nga thì tất nhiên… cũng hay rồi. Thêm một thị trường cho văn chương Việt Nam. Nhưng rồi sao? Cứ cho là sẽ được giải thì rồi sao? Liệu số lượng xuất bản có tăng lên? Liệu có “mở đường” cho những giải thưởng khác? Không nói trước được. Nhưng tôi cứ nhớ đến một đoạn văn mà ông Vũ Trọng Phụng tả các ông “quý phái” bạn cụ Cố Hồng nghiện thuốc phiện cách đây gần nửa thế kỉ: “ngực đầy những huy chương như: Bắc Đẩu bội tinh, Long Bội tinh, Cao Mên Bội tinh, Vạn Tượng Bội tinh, vân vân”.

Tình trạng 'khát quốc tế hóa' của văn chương Việt… ảnh 1

PGS-TS Phạm Xuân Thạch

Một cách nghiêm túc, chúng ta hãy quay lại những vấn đề có tính bản chất nhất. Vậy thì một giải thưởng sinh ra là để làm gì? Thực ra, có hai loại: phát hiện và tôn vinh. Giải cho tác phẩm thường là để phát hiện còn giải cho sự nghiệp thường là để tôn vinh. Và như vậy, nó gắn liền với uy tín của nơi trao giải. Nếu không thì ai tin? Và như vậy, việc được giải sẽ có tác dụng đưa sự nghiệp của nhà văn đến một tầm cao mới, mở ra những cánh cửa để được tăng lượng xuất bản, được xuất hiện ở những thị trường khó tính hoặc nước ngoài. Thế nên các giải thưởng văn học uy tín trên thế giới thường có một giới hạn. Giải Booker, Pulitzer, Goncourt, Femina hay Renaudot thường chỉ gắn với một quốc gia hoặc một thứ ngôn ngữ. Số lượng giải có tính quốc tế là vô cùng hiếm hoi, có lẽ chỉ có Giải Nobel và Giải Cervantes (dành cho văn học bằng tiếng Tây Ban Nha). Điều đó cho thấy hoặc giải thưởng chỉ phải có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của văn chương ở chính quốc gia “chủ nhà” của giải thưởng, hoặc muốn có một sự thừa nhận tầm quốc tế thì sẽ phải dựa vào những uy tín cực lâu đời và khả tín như Nobel. Ta có thể nói về những người đáng mà chưa được Nobel văn chương nhưng khó mà có thể nói những người được Nobel văn chương mà không xứng đáng. Vậy, nếu chiếu theo những tiêu chí nói trên thì các bạn cũng có thể trả lời được chuyện có thêm cái giải thưởng quốc tế mang tên ông nhà thơ/văn ở nước Kyrgyzstan thì sẽ đem lại điều gì và nên vui hay không.

Trước đó, thỉnh thoảng lại nghe tin nhà văn A, nhà thơ B vừa đoạt giải từ Liên hoan thơ/ văn quốc tế nào đó (thường ở châu Âu), vừa nhận danh hiệu công dân danh dự của thành phố (cũng châu Âu) nào đó để tôn vinh thành tựu văn chương… Nhiều người quan tâm tìm hiểu thì thấy các giải, danh hiệu này đều đến từ những tổ chức tư nhân hay nhóm không mấy tên tuổi, uy tín. Một nhà văn cũng từng là biên tập viên nxb Hội Nhà văn VN vừa viết bài nhắc lại chuyện nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đoạt giải năm xưa do một hãng rượu vang nước ngoài trao. Ông có ý kiến gì trước sự “khát giải” ấy?

Tình trạng 'khát quốc tế hóa' của văn chương Việt… ảnh 2

Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng

Tôi xin không bàn về những chuyện đã được nói rồi. Nhưng thực ra, không cẩn thận, chúng ta đang chứng kiến tình trạng “khát quốc tế hóa” lây lan từ lĩnh vực khoa học sang lĩnh vực văn chương. Từ chỗ… không theo một chuẩn mực nào cả, chúng ta chuyển sang theo “chuẩn quốc tế” nghĩa là phải lấy một tiêu chí bên ngoài để đo chính chúng ta. Điều đó cũng có cái hay là buộc chúng ta phải ý thức về sự hội nhập nhưng tệ nạn cũng không thiếu. Trên các diễn đàn về liêm chính học thuật người ta đã nói về những tạp chí rởm, tạp chí ma được dựng lên để moi tiền của các nhà khoa học “khát công bố quốc tế”. Nếu không cẩn thận, tình trạng đó sẽ lan sang văn chương nghệ thuật. Và như vậy thì sẽ rất đáng buồn. Nghệ thuật là thứ gắn với văn hóa dân tộc và nó sẽ chỉ có thể phát triển được khi nó lớn lên một cách tự nhiên trên chính mảnh đất sinh thành ra nó. Không cẩn thận chúng ta sẽ đặt ra những cái chuẩn khiến văn nghệ sĩ chạy theo những thứ vô cùng phù phiếm và vô nghĩa thay vì chăm lo cho tác phẩm của mình và làm cho nó lớn lên trên mảnh đất của dân tộc mình. Và nạn công bố trên những diễn đàn rởm, diễn đàn ma sẽ lan từ lĩnh vực khoa học sang lĩnh vực văn chương.

Về việc văn chương Việt Nam ít được thế giới biết đến, có một lý do các tác phẩm viết bằng tiếng Việt ít được dịch ra tiếng nước ngoài, đặc biệt là Anh ngữ, Pháp ngữ. Phía sau là cả một câu chuyện lớn hơn rất nhiều. Xin ông chia sẻ quan điểm về công việc quảng bá – trao đổi văn học, dịch thuật văn chương – nhìn trên bình diện lớn?

Dù hiện nay, tiếng Anh, Pháp mà có lẽ chỉ tiếng Anh thôi vẫn là một ngôn ngữ nhiều người sử dụng trên thế giới và việc không được viết bằng tiếng Anh sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong việc quốc tế hóa nhưng ta cũng lại phải nhớ rằng đa phần văn chương được viết không phải bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ít nhất là còn có tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha; chưa kể vô vàn những ngôn ngữ khác. Và như vậy, tình hình phổ biến là nhà văn trên thế giới này viết ra tác phẩm không bằng tiếng Anh. Vậy thì “khó người khó ta” cái chuyện khó với ta thì cũng là khó với người và nếu vậy thì vấn đề “ít được biết đến” cần được nhìn ở chiều kích khác: chất lượng của văn chương, chiều sâu tư tưởng, sự điêu luyện của kĩ thuật… Ta vẫn nhớ rằng “văn chương là nghệ thuật của ngôn từ” mà thế thì cái hay của văn chương trước hết là ở chỗ anh sẽ chọn thứ ngôn ngữ nào là ngôn ngữ nghệ thuật. Dịch, nhất là dịch thơ sẽ khó lòng chuyển tải hết được tinh thần của văn bản gốc. Văn chương trước hết cần phải là thứ “dưỡng chất tinh thần” cho chính những người sử dụng thứ ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng để sáng tác. Nó cần phải phát triển lành mạnh, khỏe khoắn trong chính đất nước sinh thành ra nó trước khi được giới thiệu ở bên ngoài. Khi mà chúng ta không có những tác giả có sự nghiệp, khi mà tác phẩm không có giá trị thực sự thì bao nhiêu đầu tư cho việc giới thiệu, quảng bá cũng vô nghĩa.Và chưa kể, tìm một cơ chế cho việc giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng không phải dễ (ai thẩm định bản dịch và ai thẩm định tác phẩm được dịch? Tại sao anh được dịch mà tôi không được dịch?). Trong chuyện này, có lẽ ta nên làm như những nước đã có kinh nghiệm: Nhà nước tài trợ cho việc xây dựng các catalogue quốc gia về văn học, trao các học bổng dịch cho những dự án hứa hẹn và bước đầu đã có sản phẩm và triển khai các dự án với sự tham gia của nhiều bên (giới nhà văn, giới phê bình, giới hàn lâm trong các Viện, Trường, trong và ngoài nước, giới xuất bản…).

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
TPO - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - giữ chức Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan.