Nga tăng cường trang bị, vũ khí hiện đại cho Crimea
Ngày 3/12, một nguồn tin quân sự thuộc Hạm đội biển Đen cho biết, các lực lượng vũ trang Nga tại bán đảo Crimea đã tiếp nhận các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU mới vào cuối tháng 11 vừa qua để tăng cường khả năng bảo vệ không phận bán đảo này. Tuy nhiên, số lượng và khu vực triển khai cụ thể của tên lửa không được tiết lộ.
Trước đó, lực lượng phòng không của Ukraine và sau này là Nga tại Crimea tương đối yếu kém. Trong đó, lực lượng của Hạm đội Biển Đen đồn trú ở Sevastopol chỉ có các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn, chế tạo từ những thập niên 60 của thế kỷ trước, cũng như các trang bị phòng không tầm gần, tầm trung trên các chiến hạm.
"Với việc tiếp nhận đưa S-300PMU vào cơ cấu trang bị, có thể khẳng định rằng trên bán đảo đã có hệ thống phòng không hoàn chỉnh, đủ sức đảm bảo an ninh trên không cho lực lượng và các phương tiện của Hạm đội Biển Đen" - một quan chức quốc phòng cao cấp của Crimea tuyên bố.
Nguồn tin cho biết, các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU Favorit, được Mỹ và NATO định danh là SA-10 Grumble, đã được triển khai đến bán đảo Crimea trong tháng 11. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình Ukraine đang ngày càng căng thẳng nên thông tin đến giờ mới được công khai.
Tổ hợp tên lửa S-300PMU Favorit có tầm bắn tối đa 200km và được trang bị các radar giám sát “Big Bird”. “Gia tộc” tên lửa phòng không S-300 được coi là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất thế giới, được rất nhiều nước ưa chuộng và đặt mua, trong đó có Việt Nam.
Nga đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự ở Crimea để đối phó Mỹ-NATO |
Trước những căng thẳng ngày càng gia tăng với phương Tây kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, đặc biệt là trước kế hoạch áp sát của NATO và dự định tăng ngân sách quốc phòng của Ukraine, Nga đã nỗ lực tăng cường triển khai và trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang tại Crimea và biển Đen.
Hôm 1-12, đại diện văn phòng báo chí Hạm đội biển Đen cho biết, hạm đội này đang có kế hoạch tập trung huấn luyện các đơn vị mới, nâng cấp hoặc xây dựng mới các cơ sở vật chất cho Crimea.
Quân đội Nga sẽ tập trung vào việc tổ chức huấn luyện chiến đấu những đơn vị mới được thành lập, sửa sang hoặc xây dựng lại các cơ sở vật chất ở Crimea và dọc bờ biển Caucasus, đồng thời Hạm đội biển Đen cũng chuẩn bị nhận thêm các loại tàu chiến, tàu ngầm và tàu hỗ trợ cho hạm đội cùng với các loại máy bay cảnh báo sớm và săn ngầm.
Hôm 26-11, Nga cũng mới điều 10 chiến đấu cơ Su-27 SM và 4 chiếc Su-30 M2 tới một căn cứ không quân Belbek trên bán đảo Crimea, giúp tăng cường sức mạnh trên không của nước này ở khu vực Biển Đen. Tất cả các máy bay này đều là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư. Trong đó, 4 chiếc vừa mới được sản xuất.
Vào đầu tháng 10, Đô đốc chỉ huy Hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết vào cuối năm 2014, Hạm đội biển Đen sẽ nhận được một tàu hộ vệ hiện đại lớp Admiral Grigorovich và 2 tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka (NATO gọi là Kilo). Tổng cộng, 6 tàu hộ vệ thế hệ mới và 6 tàu ngầm sẽ gia nhập hạm đội này vào năm 2018.
Nga đã bí mật triển khai các hệ thống phòng không S-300PMU đến Crimea |
Moscow cho rằng, việc Nga tăng cường thực lực tác chiến cho lực lượng đồn trú trên bán đảo Crimea chỉ nhằm đối phó với những động thái tăng cường binh lực sang phía đông nam của chính quyền Ukraine. Hiện Kiev đã triển khai hàng nghìn xe tăng, thiết giáp, pháo xe kéo, pháo và cối tự hành hạng nặng cùng với các hệ thống rocket nhiều nòng đến Donbass.
Cùng với đó, nhà cầm quyền Ukraine cũng huy động tối đa nguồn lực của các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng để tái khôi phục các trang bị niêm cất, sửa chữa, nâng cấp các trang bị, vũ khí để chuẩn bị cho cuộc chiến. Nguy cơ nội chiến lan rộng khắp đông nam, ảnh hưởng đến Crimea đang hiện hữu.
Hơn nữa trước đây các quan chức chính phủ và chính khách diều hâu của Kiev đã nhiều lần tuyên bố sẽ chiến đấu để giành lại Crimea từ tay Moscow. Trong bối cảnh bán đảo mới được sáp nhập vào Liên bang được hơn nửa năm, thực lực phòng thủ còn yếu, Nga không thể không đề phòng và tăng cường quân lực phòng thủ bán đảo.
Với sự tăng cường binh lực hiện tại và trong tương lai, Nga sẽ biến Crimea thành pháo đài bất khả xâm phạm, có khả năng khống chế hoàn toàn không phận và hải phận biển Đen và một vùng rộng lớn lãnh thổ phía nam Ukraine, đồng thời có khả năng chống xâm nhập đường không từ khoảng cách hàng trăm km.
Thậm chí, cả những kế hoạch mang tầm chiến lược là triển khai các hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân kiểu cơ động cũng sẽ được triển khai ở đây để kiểm soát hướng châu Âu. Một tiền đồn đối kháng với Mỹ và NATO đang dần hình thành.
Nga đáp trả NATO áp sát biên giới, Ukraine tăng ngân sách quốc phòng
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong phiên họp với ngoại trưởng các nước thành viên tại trụ sở liên minh ở Brussels là khối này lên án Nga tăng quân và các thiết bị quân sự ở Crimea và quan ngại về việc Nga có kế hoạch tăng cường lực lượng không - hải quân trên bán đảo này nhằm khống chế hoàn toàn Biển Đen.
Kiev cho rằng Moscow đã cung cấp vũ khí cho ly khai và đổ quân vào đông nam Ukraine |
NATO còn lên án mạnh mẽ việc Nga "tiếp tục và cố ý” gây bất ổn miền đông Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế khi cung cấp xe tăng, hệ thống phòng không tiên tiến cùng các vũ khí hạng nặng khác cho phe ly khai, thông qua các chuyến xe viện trợ nhân đạo khả nghi, xâm nhập trái phép vào đông nam Ukraine.
Trước đó NATO và Ukraine đã tuyên bố có một đoàn 106 chiếc xe vận tải Nga đã vượt biên giới vào Ukraine mà không được Kiev cho phép. Đồng thời họ cũng cáo buộc lực lượng đặc biệt của Nga đã trực tiếp tham gia vào trận chiến của phe phiến quân tấn công sân bay Donetsk.
Ông Stoltenberg nhận định là "những hành động hung hăng của Nga" đã làm suy yếu nền an ninh Châu Âu - Đại Tây Dương, dẫn đến sự gia tăng mạnh hoạt động quân sự của Nga trên khắp Châu Âu và xa hơn nữa. Đặc biệt là thời gian qua, các quan chức NATO đã tuyên bố “Nga đang muốn xâm chiếm cả châu Âu”.
Vị Tổng thư ký NATO cũng cho rằng, cuộc họp ngày 3-12 sẽ mang lại 4 kết quả: Thống nhất tăng cường lực lượng ở phía đông để đối phó với Nga, thỏa thuận về một lực lượng phản ứng nhanh tạm thời của NATO, tăng cường ủng hộ Ukraine và ký thỏa thuận sứ mệnh hỗ trợ tại Afghanistan.
Đáp trả lại, Đại diện thường trực của Nga tại Khối hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Aleksandr Grushko vừa đưa ra tuyên bố rằng, lực lượng không quân của khối này đang ráo riết tăng cường lực lượng, áp sát gần biên giới nước Nga.
Các máy bay của khối này triển khai ở các nước Baltic và Ba Lan có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, là hiện thân mối đe dọa đến an ninh của Liên bang Nga.
Nga lo ngại về việc chiến đấu cơ của Mỹ và châu Âu có khả năng tấn công hạt nhân đang áp sát biên giới nước này |
Ông Aleksandr Grushko đã đưa ra tuyên bố này hôm 3-12 và bình luận: Chỉ cách đây chưa lâu, trên lãnh thổ các tân thành viên của NATO còn chưa hiện hữu các thành tố của không lực NATO, thì đến nay đã có khoảng 20 máy bay được triển khai tại ba nước vùng Baltic và Ba Lan.
Theo lời ông Grushko, các máy bay chiến đấu F-16 “Fighting Falcon” và "Eurofighter Typhoon" của Mỹ và châu Âu đang tiến hành tuần tiễu có thể trang bị cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân. Phía Nga không thể không chú ý đến điều đó và tìm biện pháp đối phó.
Ngoài ra, những cơ sở hạ tầng đảm bảo cần thiết kèm theo, bất kỳ căn cứ không quân nước ngoài nào kiểu như vậy cũng đều tạo khả năng tập trung lực lượng đáng kể trong khu vực sát gần biên giới của Nga. Bởi vậy, việc Nga triển khai các hệ thống phòng không tối tân và radar tầm xa hiện đại ở Crimea là điều cực kỳ cần thiết.
Ngày 3-12, Thủ tướng Ukraine Yasenyuk còn tuyên bố cắt giảm chi tiêu công và phúc lợi xã hội để tăng ngân sách quốc phòng. Ông này cho biết chính phủ tiền nhiệm đã cắt giảm chi tiêu cho bộ máy nhà nước 2 tỷ grivna nhưng trong năm tới, chính phủ mới sẽ còn cắt giảm mạnh hơn nữa để tăng chi tiêu cho quốc phòng thêm 119 tỷ grivna và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đồng thời, Quốc hội mới của Ukraine đã phê chuẩn các đề cử của tổng thống, tái bổ nhiệm ông Pavlo Klimkin làm ngoại trưởng và ông Stepan Poltorak làm bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ của ông Arseny Yatseniuk, người tiếp tục nắm giữ cương vị thủ tướng sau cuộc bầu cử hồi tháng 10 vừa qua.
Dưới sự điều hành của Tổng thống Porosheko và Thủ tướng Yatseniuk, chính quyền Kiev vẫn giữ lập trường cứng rắn với phe ly khai. Việc tăng chi tiêu quân sự, tiếp tục trọng dụng các chính khách “diều hâu” cho thấy tương lai về một giaỉ pháp hòa bình cho cuộc nội chiến ở đông nam nước này còn xa mù mịt.