Dưa lưới Trung Quốc gắn mác Đà Lạt

Dưa lưới Trung Quốc được đóng trong thùng xốp nhập vào Việt Nam. Ảnh: CL.
Dưa lưới Trung Quốc được đóng trong thùng xốp nhập vào Việt Nam. Ảnh: CL.
Hơn 2.000 tấn dưa lưới nhập từ Trung Quốc về trong tháng 6, và phần nhiều đã được gắn mác Đà Lạt và một số địa phương khác để bán với giá rẻ ở TP HCM.

Trên đường Nguyễn Văn Thịnh (quận 2, TPHCM), dưa lưới vàng được gắn mác xuất xứ Đà Lạt bán với giá 22.000 đồng một kg. Người bán một mực khẳng định hàng này được đưa từ trên Đà Lạt xuống, bao ngon ngọt. “Năm nay được mùa nên mới có giá rẻ như trên chứ bình thường cũng phải 30.000-35.000 đồng một kg”, chủ xe nói.

Còn trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), các xe đẩy bán với giá rẻ hơn 4.000 đồng một kg, ngoài ra khách hàng còn được mua nửa quả theo ý muốn. Anh Hùng, chủ xe đẩy cho biết, nhìn dưa lưới vàng này giống trái dưa Hoàng Kim nhưng thực tế chúng hoàn toàn khác biệt. Bởi lẽ, trái dài, hình bầu dục chứ không tròn như Hoàng Kim. Bên trong ruột dưa màu vàng cam, mỗi quả trung bình nặng từ 3 kg trở lên, có thể để trong 1-2 tuần nếu chưa cắt ra và được bảo quản nơi thoáng mát.

“Mỗi ngày tôi bán gần 200 kg, buổi chiều tối là thời điểm được nhiều khách hàng ghé lựa. Nếu khách mua với số lượng nhiều tôi có thể giảm 3.000 đồng một kg”, anh Hùng nói và cho biết, ngoài bán cho khách lẻ, anh còn giao hàng cho các tiệm sinh tố, quán cà phê vốn chuộng sản phẩm này vì độ ngọt đậm đà, mà giá lại mềm.

Bên cạnh các xe đẩy bán dưa lưới mang nhãn mác Đà Lạt, Sài Gòn thì tại các chợ truyền thống, loại này được khá nhiều tiểu thương gắn cho nguồn gốc xuất xứ Bến Tre, Củ Chi, Tây Ninh. Giá sản phẩm tại các chợ thay đổi theo thời điểm, buổi sáng bán giá 25.000 đồng một kg, nhưng đến chiều có thể hạ xuống còn 18.000 đồng.

Trong khi nhiều chủ xe đẩy, tiểu thương khẳng định dưa lưới trái hình bầu dục, màu vàng là của một số địa phương trong nước thì chủ sạp trái cây tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, hàng này đa phần là từ Trung Quốc vì trái dài, kích cỡ lớn.

“Mỗi ngày tôi lấy một tạ, khách hỏi thì giới thiệu luôn là hàng Trung Quốc. Vì lấy hàng tại chợ đầu mối, nên giá chỉ hơn chục nghìn đồng một kg, còn bán ra  19.000 đồng. Tôi đã bán loại này 2 năm nay”, chị Hoa, tiểu thương chợ Thị Nghè nói.

Giải thích cho việc thay đổi nguồn gốc xuất xứ, một số tiểu thương cho biết vì thời gian gần đây người tiêu dùng “tẩy chay” hàng Trung Quốc nên sản phẩm nhập về khó bán, đành phải "vẽ" ra nhiều xuất xứ khác nhau.

Dưa lưới Trung Quốc gắn mác Đà Lạt ảnh 1

Dưa lưới Việt Nam trái tròn, trọng lượng nhỏ hơn nhiều so với hàng Trung Quốc. Ảnh: CL.

Là người đang trồng dưa lưới theo công nghệ cao ở Tây Ninh, chị Văn Thị Cẩm Lệ cho biết, năm ngoái hàng Trung Quốc cũng ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ và vị ngọt rất gắt. Tuy nhiên, năm nay sản phẩm có phần khác vụ trước là vị thanh hơn khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là hàng địa phương. Đặc biệt, những sản phẩm này được bán với giá rẻ và gắn mác Việt khiến khá nhiều hộ nông dân trồng dưa gặp khó khăn. Bởi lẽ, để trồng được sản phẩm giá rẻ là không dễ. 

“Tại vườn nhà tôi, dưa lưới bán ra đã 25.000-30.000 đồng một kg nên với giá dưới 25.000 đồng thì chỉ Trung Quốc mới có hàng”, chị Lệ nói.

   

Chủ vườn này cho biết thêm, ngay sau khi có thông tin hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, chị đã trực tiếp đi khảo sát tại một số địa bàn ở khu vực miền Nam và cả các đơn vị nhập khẩu thì thấy có nơi bán chỉ chưa tới 20.000 đồng một kg. Dưa lưới Trung Quốc đa phần có màu vàng cũ, được vận chuyển chủ yếu từ Tân Cương qua Việt Nam mất 8-9 ngày nhưng vẫn giữ được độ cứng. Hầu hết người bán đều gỡ tem Trung Quốc gắn trên trái nên người tiêu dùng khó phân biệt. Ngay cả nhà hàng, quán ăn cũng mua nhầm phải loại này.

“Mới đây, tôi có phản ánh với 2-3 nhà hàng có sử dụng sản phẩm giá rẻ này, khi nhận được thông báo họ mới tá hỏa là đã mua nhầm vì thấy mẫu mã khá đẹp, giá rẻ”, chị Lệ nói thêm.

Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, nông dân và doanh nghiệp ở Đà Lạt mới chỉ phát triển và canh tác dưa lưới từ 2014 đến nay nên không có chuyện bán đại trà với số lượng nhiều và giá rẻ như trên.

“Ngay cả một số doanh nghiệp năm nay mới tiến hành trồng cho chúng tôi biết họ đã có đầu ra từ các siêu thị. Một số hộ khác vào vụ thu hoạch bán tại chỗ với giá 30.000 -50.000 đồng một kg chứ không hề có mức rẻ như trên. Có thể vì biết Đà Lạt có trồng dưa lưới nên nhiều tiểu thương đã chọn thương hiệu Đà Lạt để gắn mác cho dễ tiêu thụ”, ông Hưng nói.

Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, năm 2014, Việt Nam nhập 7.200 tấn dưa lưới vàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Riêng trong tháng 6 năm nay, số lượng trái cây này qua cửa khẩu là 2.100 tấn. Trong những tuần gần đây, có thời điểm lên đến 60 tấn một ngày.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sản phẩm này cũng liên tục đổ về chợ hơn một tháng nay. Đại diện chợ này cho biết, cuối tháng 6 hàng về chợ với số lượng lớn, tuy nhiên, tới nay đã có dấu hiệu chậm dần vì sức tiêu thụ đang giảm.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.