Đưa hát bội gần hơn với công chúng và du khách

0:00 / 0:00
0:00
Vào lúc 19h30 ngày 6/4 tại Nhà hát Thành phố (Quận 1, TPHCM), nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thực hiện chương trình “Sắc - Ấn Ngọc Nam phương”. Dự án nhằm định hướng quảng bá nghệ thuật truyền thống gắn với khai thác tiềm năng du lịch, phục vụ nhân dân Thành phố đồng thời xây dựng thành sản phẩm nghệ thuật hướng đến đối tượng là khách du lịch trong nước và quốc tế.

Dự án nghệ thuật “Sắc - Ấn Ngọc Nam phương” giới thiệu những đặc trưng, bản sắc văn hoá của vùng đất Phương Nam và tinh hoa của nghệ thuật Hát Bội, một loại hình nghệ thuật dân tộc lâu đời trong kho tàng nghệ thuật truyền thống tại Việt Nam nói chung và tại Sài Gòn – TPHCM nói riêng.

Theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM: “Nghệ thuật Hát Bội là một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc mang tính đặc thù lịch sử của TPHCM từ giai đoạn Nam tiến, đến thời kỳ hoàng kim và sự trở lại trong xã hội đương đại. Lần này, chúng tôi sẽ sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Âm nhạc dân tộc, múa dân gian, xiếc, mỹ thuật sân khấu … phụ trợ cho nghệ thuật trung tâm là Hát Bội. Giúp khán giả trẻ dễ dàng tiếp cận nghệ thuật truyền thống của dân tộc, qua các hình thức biểu diễn: hoá trang, vũ đạo, nhạc khúc, lời ca…”.

Đưa hát bội gần hơn với công chúng và du khách ảnh 1

Khán giả theo dõi hát bội tại lăng Ông Bà Chiểu vào mỗi cuối tuần.

Theo đó, chương trình gồm 2 phần: Phần 1 sẽ giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt của Hát Bội và trình diễn nhạc cụ dân tộc, phần 2 biểu diễn chương trình nghệ thuật “Sắc - Ấn Ngọc Nam phương”.

Đưa hát bội gần hơn với công chúng và du khách ảnh 2

Người dân và du khách sẽ được tận mắt xem nghệ sĩ hát bội vẽ mặt, hoá trang.

Đưa hát bội gần hơn với công chúng và du khách ảnh 3

Vẽ mặt, hoá trang là một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật hát bội.

Dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, chương trình là một định hướng mới trong tư duy sáng tạo và tổ chức hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM nhằm tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống, gắn với lợi thế về phát triển du lịch văn hoá.

Chương trình góp phần khắc họa hồn cốt của nghệ thuật hát bội đặt trong bối cảnh xã hội Sài Gòn – TPHCM hơn 320 năm hình thành và phát triển. Qua bao thăng trầm của lịch sử, hát bội ngày nay vẫn tồn tại và có vị thế rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân.

Đưa hát bội gần hơn với công chúng và du khách ảnh 4

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay vẫn có nhiều diễn viên trẻ có niềm đam mê theo đuổi nghệ thuật hát bội.

Đưa hát bội gần hơn với công chúng và du khách ảnh 5

Bằng nhiều cách, hát bội TPHCM luôn cố gắng để công chúng và du khách dễ nghe, dễ hiểu, dễ cảm thụ nhất về một loại hình nghệ thuật đã tồn tại khoảng 700 năm. Trong ảnh, du khách sau khi xem hát bội tại lăng Ông Bà Chiểu thì có thể ghé qua gian hàng mặt nạ để tìm mua, sưu tập hoặc có thể nghe giải thích về ý nghĩa từng đường nét, màu sắc được trang trí.

"Dự án nhằm định hướng quảng bá nghệ thuật truyền thống gắn với khai thác tiềm năng du lịch, phục vụ nhân dân Thành phố đồng thời xây dựng sản phẩm nghệ thuật hướng đến đối tượng là khách du lịch trong nước và quốc tế", ông Hoàng Vũ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG