Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ Trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho rằng, bình đẳng giới rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, bền vững trong khi đó trong các trường THPT hiện nay vấn đề chưa được đặt đúng tầm. Trong số hơn 1 triệu giáo viên lại có tới 72% là giáo viên nữ, bậc học thấp, tỉ lệ giáo viên nữ càng cao. Khối mầm non, hơn 99% giáo viên là nữ. Ở vùng núi, trẻ em gái được tiếp cận giáo dục ít hơn trẻ em nam và khi gia đình có biến cố cần lao động thì trẻ em gái sẽ bị buộc nghỉ học đầu tiên.
Ông Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc trung tâm dân số môi trường ĐHQGHN cố vấn chương trình trình bày bản dự thảo thay đổi hình ảnh, nội dung trong SGK tự nhiên và xã hội ngay từ lớp 1. Ông Thịnh cho hay, Chương trình và tài liệu học hiện hành vẫn tồn tại quan điểm phụ nữ là những người sống phụ thuộc và chỉ phù hợp với việc ở nhà. Chương trình giáo dục cũng thường tập trung chủ yếu vào việc dạy trẻ em gái thành những người vợ và người mẹ không coi trọng vai trò của phụ nữ như là người làm kinh tế hay nắm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội. “Học sinh, giáo viên, các nhà quản lý và các bậc cha mẹ chưa ý thức được rằng một số hình ảnh nội dung trong SGK có tính kỳ thị giới”, ông Thịnh nói.