Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho hay, qua thảo luận có ý kiến đề nghị quy định việc xác định lại giới tính là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chứ không phải là trách nhiệm của cá nhân đã thực hiện.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH khẳng định: Việc đăng ký thay đổi hộ tịch vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cá nhân đã xác định lại giới tính. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan trong việc thực hiện đăng ký lại thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ quy định này như trong Dự thảo.
Ông Lý cho biết, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu QH cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.
Theo đó, BLDS quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trao đổi với Tiền Phong về quy định trên, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, cho rằng, vì BLDS quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Do đó, phải tới khi QH ban hành Luật về chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện. Như thế, có nghĩa là, tới 1/1/2017, nếu QH chưa ban hành luật về chuyển đổi giới tính thì quyền chuyển đổi giới tính ở trong nước vẫn sẽ bị “treo”.
Đối với quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, BLDS sửa đổi khẳng định đó là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Theo đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật định.