Khách chơi xuân khoe sắc trong vườn ca cao
Chủ nhân vườn ca cao Rêu Phong ở số 111 Y Ngông, nội thành Buôn Ma Thuột là ông Phạm Hồng Đức Phước, tiến sĩ nông nghiệp, chuyên gia nổi tiếng về ca cao. TS Phước từng là Chủ nhiệm dự án, cố vấn kỹ thuật cho hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước, được tài trợ bởi các tổ chức DANIDA, Helvetas, PSOM, Dak Man, Cargill, Mars Inc., Meiji, Fuji Oil, Ritter Sport, CIC, CAA, WCF, Root of Peace, PPP…
Sau 24 năm chuyên tâm nghiên cứu, ông đã xây dựng khép kín quy trình sản xuất ca cao ở Việt Nam, từ vườn ươm đến sơ chế thành hạt ca cao nguyên liệu; Là tác giả cuốn sách “Kỹ thuật trồng ca cao ở Việt Nam” đã được xuất bản, tái bản tổng số trên 60.000 cuốn; Trực tiếp đào tạo trên 500 chủ nhiệm câu lạc bộ ca cao và cán bộ khuyến nông, hàng nghìn nông dân; Tác giả và đồng tác giả 10/10 giống ca cao được Bộ NN&PTNT cho phép nhân giống toàn quốc; Xây dựng tập đoàn 200 giống ca cao ở đại học Nông Lâm v.v...
Trò chuyện với PV Tiền Phong về vườn ca cao Rêu Phong rộng 1,3 hecta ở Buôn Ma Thuột: TS Phước kể: “Năm 2000, tôi phải chuyển ca cao giống từ Đại học Nông Lâm, Thủ Đức lên Tây Nguyên, tốn kém và bất tiện. Vì vậy, tôi lập khu vườn này để nhân giống các dòng ca cao có triển vọng, cung cấp giống chuẩn cho các vườn ươm và người dân.”
Cả tỉ người từng sử dụng sô cô la, mua sô cô la làm quà. Nhưng vì không có nhiều nước trồng được ca cao, nên nhiều người vẫn chưa thấy, chưa biết quả ca cao đẹp mắt có nhiều điều thú vị, như nhân hạt để làm bột ca cao, sô cô la, xà bông, mỹ phẩm; Vỏ hạt làm trà; Lớp cơm nhầy bọc quanh hạt ca cao làm sinh tố, rượu vang, rượu mạnh; Vỏ quả ca cao băm nhỏ còn tươi hoặc ủ chua là món ăn khoái khẩu của bò, dê ...
Nếu không bị canh chừng, những chú dê nghịch ngợm sẽ chén cả mâm ca cao đãi khách
Đưa du khách đi thăm vườn, hướng dẫn tỉ mỉ cách nhận biết các giống ca cao khác nhau, cách chọn trái chín cho du khách tự hái, đôi vợ chồng quản lý vườn ca cao cho TS Phước là anh Mai Thanh Sang (kiến trúc sư) và chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết: Trong vườn có 14 giống ca cao khác nhau, cho thu hoạch quanh năm, nhưng đây là mùa vườn ca cao chín muôn màu đẹp nhất.
Và tìm hiểu quy trình ủ, phơi, sấy hạt để làm bột ca cao, làm sô cô la
Hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ một ít phân NPK kết hợp phân chuồng để chăm bón. Trị sâu rầy bằng kiến vàng, kiến đen; Trị sóc, chuột gặm phá quả bằng rắn rồng, rắn ráo không độc, hệ sinh thái của vườn luôn cân bằng. Ngày nào du khách cũng có thể vào vườn tham quan miễn phí, trải nghiệm hái quả tươi để xay sinh tố.
Phải lấy hạt 3 quả to mới đủ xay 1 ly sinh tố ca cao tươi nguyên chất, có vị chua ngọt thanh mát, thơm dịu gần giống mãng cầu xiêm. Loại sinh tố này vừa hiếm quý, vừa bổ dưỡng. Hỏi chủ quán sao rẻ thế, chỉ 35 nghìn/ly? Anh Sang cười giải thích: Vì sau lớp cơm bao quanh hạt được đánh thành sinh tố, vẫn còn nhân hạt để ủ lên men làm bột ca cao, hoặc chế biến thành sô cô la tươi cao cấp.