Jazz, rock và những sắc màu du lịch

Tác giả bài viết đánh đàn ghi ta trên thuyền phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn
Tác giả bài viết đánh đàn ghi ta trên thuyền phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn
TP - Nói tới du lịch, người ta hay nói tới chuyện ăn gì, chơi gì, sắm gì, ngắm gì… nhưng đôi khi một câu hỏi vang lên “nghe gì?”. Cuộc sống không chỉ là đền đài thành quách cổ xưa, đôi lúc người ta vẫn cần tới những giai điệu náo nhiệt, gần gũi trên những nẻo đường du lịch đó đây.

Tự do ở Clarke Quay

Khi khách du lịch bước xuống sân bay lớn nhất của Singapore, ấn tượng đầu tiên đó chính là âm nhạc. Nhạc jazz được mở suốt ngày và khắp nơi trong sân bay. Khi bạn lên taxi, bạn cũng được mời nghe nhạc jazz.

Buổi tối, tại khu phố cổ, các ban nhạc jazz diễn ở khung cảnh nhà hàng nhỏ và đầm ấm. Khách chỉ độ dăm chục người, nhưng ban nhạc biểu diễn hết sức bốc lửa. Tại Singapore việc uống bia và xem bóng đá không thật sự phổ biến lắm. Không khí cuối tuần khá vắng vẻ, đông đúc nhất là các khu ẩm thực và mua sắm.

Nhưng phố Tây Clarke Quay mọi sự đảo ngược. Mấy chục quán bar nằm kề nhau và những màn hình ti vi chiếu các trận đấu bóng đá. Khoảng 10 ban nhạc biểu diễn tại Clarke Quay hằng đêm. Âm nhạc tràn ngập và những quán bar được mở rất khuya, đông nghẹt khách nước ngoài.

Các ban nhạc tại phố Tây Clarke Quay phần nhiều hát nhạc rock. Họ là các ban nhạc người Singapore, một số ban nhạc xen kẽ người ngoại quốc và một số ban nhạc hoàn toàn tới từ nước ngoài. Những ban nhạc điện tử với các cô ca sĩ ăn mặc táo bạo, nhưng cạnh đó là những ban nhạc mộc, với ghi ta thùng và những cô gái mặc áo kín cổ.

Khác với những con phố Tây ở Việt Nam, nơi người ta nhậu tới bến thì tại Clarke Quay khách chỉ thường uống một, vài chai bia. Họ dành thời gian nghe nhạc cùng nhau và cũng chẳng bao giờ thấy những cô gái ăn mặc hở hang chèo kéo khách. Một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam nói với tôi: “Phố Tây ở đây không có tiêu cực tệ nạn gì cả, chỉ có âm nhạc mà thôi. Không chỉ du khách mà các hướng dẫn viên chúng em cũng thường tìm tới phố Tây của Sing để thư giãn cuối tuần với âm nhạc sôi động”.

Máu lửa ở Phuket

Bãi tắm ở Phuket Thái Lan là một trong những nơi được mệnh danh là “thiên đường du lịch sex” với những phố đèn đỏ nổi tiếng. Song, thật sai lầm khi chỉ nghĩ tới những chuyện sex ở đây. Một hướng dẫn viên du lịch người Việt Nam nói: “Chính phủ Thái Lan đã cấm phố đèn đỏ tại Phuket. Mọi chuyện tự do về sex đã chấm dứt”.

Dọc bãi biển ngày nay, buổi tối rất đông khách và các cửa hiệu phô diễn cơ thể phụ nữ đã được thay bằng các quán nhạc. Bắt đầu từ chập tối, những nghệ sĩ Thái Lan và nhiều anh em nghệ sĩ nước ngoài đã có mặt tại bãi biển. Họ chơi nhạc rock, đôi khi, những bài hát êm dịu với tiếng đàn ghi ta thùng bập bùng suốt dọc bãi biển khiến người ta cảm thấy một sự bình yên và lãng mạn tại Patong.

Một chủ quán là người Thái Lan, lấy chồng ngoại quốc và mở quán cà phê gần bờ biển cho biết: “Chính quyền và người dân muốn du khách có cái nhìn khác về Phuket, chúng tôi có thể thu hút du khách mà không cần phải đánh đổi bằng sex. Anh có thể thấy rất nhiều dịch vụ giải trí ở Patong, trong đó có âm nhạc. Những ban nhạc của chúng tôi rất hay và nổi tiếng cả Thái Lan”.

Những quán nhạc giờ đây rất đông khách là Hardrock caphe Phuket, Redhot bar, Rock city, Moonson bar… chưa kể nhiều quán nhạc nhỏ hơn và vô danh dọc các khu đông du khách. Rời bãi tắm, đi sâu vào thành phố Phuket cũng có khá nhiều quán nhạc dễ thương và khác với Việt Nam, những quán nhạc ở Phuket có phục vụ đồ ăn nhẹ với cái bếp đơn giản, đồ ăn thường cay.

Thèm nhạc ở phố Bùi Viện

Phố Tây Bùi Viện là một trong những khu phố Tây đông đúc nhất tại Việt Nam. Tuy vậy, ở đây hầu như rất ít quán nhạc. Buổi tối, la liệt những cái bàn được bày ra để uống bia, chủ quán và du khách đôi khi cũng bập bùng đàn ghi ta và hát với nhau bên vỉa hè. Song, ở phố Tây Bùi Viện, người ta không thể tìm được những ban nhạc nổi tiếng lên báo mỗi tuần như ở Clarke Quay hay Phuket.

Một vài nghệ sĩ từng biểu diễn tại các bar ở Bùi Viện nói rằng “Không phải người ta không mở các quán nhạc tại phố Tây, song chúng chẳng tồn tại được bao lâu và cuối cùng thì người ta tới Bùi Viện không phải để nghe nhạc”. Một vài nghệ sĩ còn kể rằng họ gặp đôi chút rắc rối vì “phố Tây của chúng ta thỉnh thoảng vẫn diễn ra việc đánh lộn, ẩu đả mà nguyên nhân là vì hơi men. Không khí như thế, thật khó để biểu diễn nghệ thuật”.

Thành phố cũng đã tổ chức một số chương trình âm nhạc cuối tuần tại phố đi bộ Bùi Viện, ban nhạc của nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh nhiều lần chơi nhạc tại đây và chính tác giả bài viết này cũng từng tham gia biểu diễn trong ban nhạc này ở phố đi bộ. Mỗi khi âm nhạc vang lên, khách trong nước và nước ngoài đều tới xem đông nghẹt. Các nghệ sĩ cũng rất vui vẻ để biểu diễn phục vụ ngành du lịch, dù có hôm trời mưa tầm tã mà sân khấu không mái che.

Nhưng thứ âm nhạc đường phố ở phố đi bộ, thực chất cũng được ngành văn hóa thành phố tài trợ và không ai biết nó sẽ kéo dài tới bao giờ? Âm nhạc được bao cấp để diễn ở phố Tây dịp cuối tuần khác với âm nhạc đích thực mà các bạn ở Clarke Quay hay Phuket trình diễn, nơi các nghệ sĩ tự lo mặt bằng, thu tiền vé biểu diễn. Nói cho cùng âm nhạc không thể sống dựa vào bao cấp mãi được.

“Hãy cho chúng tôi âm nhạc của các bạn!”

TPHCM vốn không có rừng, không có biển, thiếu đi những lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng và hiện là một trong những điểm du lịch có số ngày lưu trú thấp nhất. Một cựu nhân viên của hãng du lịch nổi tiếng, từng là sinh viên nhạc viện, tâm sự: “Buổi tối chúng em thường rất khó tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho khách, chưa kể nhiều khách ngại ra đường do đọc thông tin cướp giật trên mạng xã hội. Em từng là chủ quán bar tại phố Tây, buổi tối khách ta đông hơn khách Tây”.

Buổi tối, tại TPHCM có một tua du lịch bằng xe vecspa cổ đưa du khách nước ngoài đi xem nhạc. Những chiếc xe vecspa cổ từ khu phố Tây sẽ chở khách đi khắp thành phố, tìm các tụ điểm âm nhạc thưởng thức. Rõ ràng, ngoài những múa rối, những làn điệu dân ca trên các con tàu trên sông Sài Gòn, người ta còn muốn được thưởng thức các giai điệu rock, jazz nữa.

Khoảng 10 giờ, các đoàn khách nước ngoài được chở bằng xe vespa tới Yoko bar, Saxnart Jazz Clup, Lela bar… Họ là những đoàn khách du lịch đủ mọi lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi, mỗi thị hiếu sẽ được sắp xếp vào một tua nghe nhạc riêng, đó là nghe nhạc jazz, hoặc nhạc rock kinh điển, nhạc rock hiện đại…

Nghệ sĩ Phan Nam, khi mở quán nhạc khá đông khách, lập tức một công ty du lịch tới và đặt vấn đề: “Các anh hãy biểu diễn thật tốt, có lịch diễn cụ thể, chúng tôi sẽ đưa khách nước ngoài tới cho các anh”. Nhân viên công ty du lịch tiết lộ: “Rất nhiều du khách tới đây và muốn được nghe âm nhạc hiện đại của các ban nhạc Việt Nam. Ðáng tiếc là chất lượng cũng như chương trình biểu diễn của chúng ta vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách quốc tế. Họ kỳ vọng nhiều hơn ở các bạn nghệ sĩ Việt Nam”.

12/2019

Jazz, rock và những sắc màu du lịch ảnh 1

Nữ nghệ sĩ ghi ta tại Clarke Quay. Ảnh: Trần Nguyên Anh

MỚI - NÓNG