Những món ăn từng 'gây mê' Nguyễn Nhật Ánh

TPO - Nhà văn có điều kiện sống dư dả nhất, nhì trong giới văn chương hiện nay bằng chính ngòi bút của mình, chính là Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng kể cả khi cuộc sống đã phủ hào quang hay tuổi thơ nghèo khó, món ăn “gây mê” tác giả best-seller vẫn không phải “sơn hào hải vị”.
Những món ăn từng 'gây mê' Nguyễn Nhật Ánh ảnh 1

Nguyễn Nhật Ánh với mùa thu Hà Nội (Ảnh: T.H.T.K)

Một trong kỷ niệm tết tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh chính là chuyện bốc trộm mứt dừa của mẹ để ăn, bằng chiêu nhiều đứa trẻ sử dụng: “Cơ hội hấp dẫn nhất là lúc mẹ tôi trải mứt ra nong đem phơi ngoài sân. Lúc đó đi ngang qua nong mứt, thế nào tôi cũng vờ đánh rớt viên bi hay một cái gì đó để cúi xuống bốc trộm mứt nhanh như chớp. Mứt dừa nhiều màu, xanh đỏ trắng vàng; mứt dừa của mẹ tôi chỉ có mỗi màu trắng nhưng với tôi thật không có gì ngon bằng”.  Nhưng đến khi Nguyễn Nhật Ánh lớn hơn,  món mứt dừa “không có gì ngon bằng” ấy lại bị một món ngon khác cạnh tranh: “Lúc mười tuổi, lần đầu tiên được ăn lạp xưởng nơi nhà một người bạn của ba tôi, tôi “tương tư” suốt một tuần và lập tức bầu chọn đây là món ăn ngon nhất trên đời”.

Sau này, khi nhà văn rời làng quê, vào Sài Gòn, nơi bày bán quanh năm lạp xưởng, hạt dưa, mứt dừa… muốn ăn lúc nào cũng có thì món ăn từng “gây mê” suốt tuổi thơ Nguyễn Nhật Ánh  lại mất chỗ đứng. Vợ của nhà văn, chị Tiếng Thu, từng chia sẻ, dù chị thích nấu ăn, thích làm tiệc, nhà luôn sẵn đồ ăn nhưng nhà văn best-seller lại sợ tiệc tùng, ông chỉ thích nước mắm và cá kho mặn.

Những món ăn từng 'gây mê' Nguyễn Nhật Ánh ảnh 2

Cuốn sách bật mí chuyện ăn, mặc mùa tết của Nguyễn Nhật Ánh

Một tin vui đầu năm với Nguyễn Nhật Ánh, phim “Mắt biếc” vượt 170 tỷ đồng và hứa hẹn doanh thu còn tăng hơn nữa. Người ta hay nói đến tình đơn phương của Ngạn trong “Mắt biếc”, kẻ khen chung thủy, người chê lỗi thời. Vì bị cuốn theo mối tình đơn phương của Ngạn với Hà Lan nên ít ai còn để ý đến dụng ý của nhà văn. 

Ông từng chia sẻ: “Hà Lan yêu kiều trong mắt một kẻ gắn bó với làng quê như Ngạn còn là hóa thân của cội nguồn quê xứ. Chính những kỷ niệm tươi đẹp của tuổi ấu thơ nơi ngôi làng Đo Đo là sợi dây vô hình trói buộc Ngạn với cô bạn thuở thiếu thời, biến tình yêu của anh thành một “chốn lưu đày”, khiến anh phải mang vác nó như một lời nguyền của số phận”.

Ngạn tất nhiên không phải Nguyễn Nhật Ánh nhưng có một phần bóng dáng của ông, như tình yêu không bao giờ dứt với “cội nguồn quê xứ”. Cho nên, khi đã là một nhà văn nổi tiếng, có tác phẩm bán chạy nhất thị trường sách Việt thì thú ẩm thực của ông vẫn gợi nhớ nơi ông sinh ra và lớn lên. Những người yêu mến Nguyễn Nhật Ánh đều biết đến địa chỉ ẩm thực xứ Quảng “Quán Đo Đo” nằm ở Sài Gòn. Bởi chủ nhân của nó không ai khác chính là người sinh nở “Mắt biếc”.

MỚI - NÓNG
Kêu gọi người dân lên núi lánh nạn, trưởng thôn ở Lào Cai nhận giải Thanh niên sống đẹp
Kêu gọi người dân lên núi lánh nạn, trưởng thôn ở Lào Cai nhận giải Thanh niên sống đẹp
TPO - Ngay khi nhận biết dấu hiệu vết nứt, nguy cơ sạt lở của quả đồi, Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ đã nhanh trí, quyết liệt, cùng lên phương án để kêu gọi 115 người dân trong thôn lên núi để lánh nạn. Anh vinh dự được T.Ư Hội LHTN Việt Nam tuyên dương là 1 trong 20 cá nhân nhận giải thưởng Thanh niên Sống đẹp năm 2024.