Dự thảo điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Đi ngược xu thế phát triển?

Sự mới mẻ của loại hình kinh tế chia sẻ đang gây bối rối cho các cơ quan quản lý. Ảnh: Như Ý.
Sự mới mẻ của loại hình kinh tế chia sẻ đang gây bối rối cho các cơ quan quản lý. Ảnh: Như Ý.
TP - Sau 4 lần trình Thủ tướng nhưng đến nay Dự thảo Nghị định 86/2014/NÐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vẫn chưa được thông qua. Ðiểm bất hợp lý là cơ quan soạn thảo xây dựng nghị định đang đi ngược lại xu hướng phát triển, “chèn” thêm nhiều điều kiện kinh doanh mới…

Cắt 12, bổ sung 85

Tại Hội thảo nghị định 86/2014/NĐ- CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa nghị định hay nhìn lại cách thức soạn thảo nghị định và thực hiện Luật giao thông đường bộ ngày 21/8, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương -CIEM) cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ.

“Ban soạn thảo cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GTVT”, bà Thảo nói.

Ngoài ra, với cách tiếp cận “siết chặt kinh doanh vận tải”, dự thảo này lặp lại 22 lần việc giao thẩm quyền cho Bộ GTVT quy định thêm. Cách soạn thảo vô tình hoặc “cố ý tạo” dư địa để tùy ý “can thiệp” vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về phía DN. Trước những bất cập còn tồn tại, trong văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ, CIEM đề xuất không nên thông qua dự thảo.

Dự thảo đề xuất phương pháp quản lý các loại hình vận tải hợp đồng công nghệ tương tự như với taxi truyền thống. Trước các quy định này, ông Nguyễn Văn Thanh, Hiệp hội vận tải ô tô, cho rằng, Grab, Uber vận tải hành khách là một trong những loại hình vận tải taxi. Tuy nhiên, không thể quản lý Grab, Uber quản lý như taxi truyền thống mà cần phải gỡ bỏ rào cản bất cập để taxi truyền thống vươn lên và có quy định phù hợp với các loại hình vận tải mới này.

Ông Thanh lấy ví dụ, việc kiểm định đồng hồ tính cước của taxi. Các DN lớn mất hàng tỷ đồng mỗi năm. Chi phí này cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Thay bằng việc phải kiểm định định kỳ, cơ quan chức năng giao cho DN, nếu xảy ra gian lận, DN phải chịu trách nhiệm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Dự thảo NĐ 86 quy định DN công nghệ phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như đơn vị vận tải là không hợp lý. Bởi nó làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm và triệt tiêu ưu điểm của dịch vụ kết nối mang lại, biến nó thành kênh liên lạc.

“Quy định này cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các DN, cuối cùng ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đây là tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế 4.0”, ông Long cảnh báo.

Ông Long kiến nghị, cơ quan quản lý không bó hẹp hoạt động của DN công nghệ trong tầm quản lý hiện nay của một số cơ quan quản lý mà cần đưa ra giải pháp khuyến khích DN công nghệ ngày càng tham gia sâu vào ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội, cho phép người tiêu dùng hưởng thành quả của cách mạng công nghệ 4.0.

Ông Lê Ngọc Nam, đại diện DN kinh doanh vận tải hàng hóa đánh giá, vấn đề phát sinh là do thị trường, nhưng quá trình soạn  thảo, ban soạn thảo bám vào cái cũ, không có đột phá. Phải làm sao DN chủ động tuân thủ quy định pháp luật, không phải lách luật hoặc tìm mọi biện pháp gian lận kinh doanh. Vấn đề mấu chốt muốn thành công phải làm sao để đơn vị kinh doanh chủ động tuân thủ.

Quản cách cũ, 90 triệu người Việt thiệt

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, công nghệ mới sẽ phá hủy cái cũ, nếu mình không chuyển đổi kịp nó sẽ phá hủy mình. Ngành giao thông không phải điển hình mà sau này còn có dệt may và các ngành nghề khác.

Theo ông Cung, hiện Việt Nam, cái cũ chưa giải quyết được, cái mới đã ập đến. Cách mạng 4.0 đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận và thay đổi chính mình. “Uber và Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của nó là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số”, ông Cung cho biết.

Theo người đứng đầu CIEM, từ câu chuyện Grab, Uber cần nhìn rộng, tìm giải pháp thúc đẩy DN công nghệ phát triển để tạo ra sản phẩm mới để cạnh tranh.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Cty Luật Basico cho rằng, Grab, Uber là loại hình taxi điện tử. Chúng ta quản lý các loại hình này là taxi điện tử, với các điều kiện quản lý phù hợp, chứ không phải áp đặt điều kiện của xe taxi truyền thống cho loại hình này. Nếu tư duy quản lý theo cách cũ, 90 triệu người dân Việt Nam phải chịu hậu quả.

"Công nghệ mới sẽ phá hủy cái cũ, nếu mình không chuyển đổi kịp nó sẽ phá hủy mình".

Viện trưởng CIEM Nguyễn Ðình Cung

“Quy định này cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các DN, cuối cùng ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Ðây là tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế 4.0”.

                        Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long 

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.