Dự thảo đề án cải tổ VFF - Bình mới, rượu cũ?

Dự thảo đề án cải tổ VFF - Bình mới, rượu cũ?
Sau những "sự cố" liên tiếp xảy ra trong năm 2004, năm nay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xây dựng dự thảo đề án cải tổ nhằm vực dậy nền bóng đá nước nhà.

Mục tiêu của bóng đá Việt Nam thời gian tới là theo kịp với trình độ phát triển của khu vực, châu lục và thế giới với những ngôn từ rất mỹ miều "Xã hội hóa - Chuyên nghiệp hóa - Trong sạch hóa".

Dù đã muộn và không có gì mới mẻ so với các quốc gia trên thế giới nhưng đây là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay. Cơ cấu tổ chức của VFF hiện nay không còn phù hợp khi bóng đá Việt Nam (đặc biệt là các Câu lạc bộ) đang chuyển sang xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa.

Cơ cấu này thể hiện những nhược điểm như: không phân biệt giữa cấp quản lý đại diện cho xã hội (Ban chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch) và cấp điều hành, thực hiện. Chủ tịch vừa là người quản lý, vừa là người điều hành cao nhất, là chủ tài khoản của Liên đoàn nên đã xảy ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Có lẽ vì thế không tập hợp được sức mạnh của xã hội và Ban chấp hành hoạt động thiếu hiệu quả. Bộ máy điều hành lại thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của Ban chấp hành, nên hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

Cơ chế hoạt động và bố trí nhân sự cũng còn nhiều bất cập, các mối quan hệ của Liên đoàn với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong nội bộ của Liên đoàn về tài chính, đầu tư, tổ chức, cán bộ, lao động tiền lương chưa rõ ràng. Chủ tịch Liên đoàn chỉ mang tính hình thức, mọi hoạt động do Phó Chủ tịch thường trực thay mặt điều hành.

Trong khi đó, Tổng thư ký là chuyên trách nhưng chỉ tham gia điều hành một số mặt hoạt động. Một Phó Chủ tịch và một Phó Tổng thư ký làm việc kiêm nhiệm nên thực tế không tham gia điều hành Liên đoàn. Một số trưởng, phó ban cũng không tránh khỏi tình trạng này và khó tham gia điều hành có hiệu quả.

Khắc phục những tồn tại trên, các cơ chế tài chính, đầu tư, tổ chức cán bộ, lao động tiền lương... của Liên đoàn trong dự thảo đề án cải tổ Liên đoàn được thực hiện như một Tổng Cty. Ngoài ra, cấp quản lý gồm: Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy ban Tư vấn giám sát và các Hội đồng được quyết định những chủ trương lớn và kiểm soát bộ máy điều hành.

Cấp điều hành gồm: Tổng thư ký, các Phó Tổng thư ký và bộ máy chức năng chịu trách nhiệm trước cấp quản lý trong việc thực thi các chủ trương, định hướng và các quyết định của cấp quản lý. Toàn bộ nhân sự của cấp quản lý hoạt động kiêm nhiệm, không hưởng lương của Liên đoàn hay nói khác đi với vị trí xã hội và năng lực, nhiệt tình của mình đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Đối với nhân sự của bộ máy điều hành, Tổng thư ký là người điều hành cao nhất, là chủ tài khoản của Liên đoàn. Các Phó Tổng thư ký và các Ban chức năng hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp, đủ quyền lực và hưởng lương cao theo sự quản lý của Ban chấp hành.

Rõ ràng những thay đổi trong dự thảo đề án cải tổ thể hiện rõ quyết tâm của Liên đoàn trong việc thúc đẩy nền bóng đá nước nhà, nhưng thiết nghĩ mô hình giống như một Tổng công ty cần phải xem xét lại. Các Ban chức năng của Liên đoàn phải chi tiết và cụ thể hóa; nhanh chóng xây dựng các văn bản liên quan; đồng thời Liên đoàn dường như vẫn coi nhẹ công tác đào tạo trẻ - yếu tố quan trọng để bổ sung lực lượng cho các đội tuyển quốc gia.

Đề án này cần sớm đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người hâm mộ, giới báo chí, các nhà quản lý, Câu lạc bộ, chuyên gia...để có thể trình Thủ tướng, Bộ Nội vụ và Ủy ban TDTT trong thời gian sớm nhất trước khi đưa ra Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ tới. Nếu không thực hiện khẩn trương và nghiêm túc những vấn đề này, chắc chắn dự thảo đề án cải tổ Liên đoàn chỉ là “Bình mới rượu cũ”.

MỚI - NÓNG