Du lịch “vượt bão”

Du lịch “vượt bão”
TP - Báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 giảm 9,62% so với tháng 4. Đây là con số đáng quan tâm trong tình hình Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 5 giảm 9,62% so với tháng 4. Đây là con số đáng quan tâm trong tình hình Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đặc biệt, lượng khách đường không và đường biển có mức giảm đáng kể nhất từ 13 đến 20%. Xét trên bình diện thị trường, dễ dàng nhận thấy hầu hết các thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam đều giảm trong đó có thị trường giảm đến 57% so với tháng trước.

Trong tháng 5 ghi nhận lượng khách Trung Quốc giảm trên 10% so với tháng 4. Về tỷ lệ, con số sụt giảm chưa phải là quá lớn, nhưng nhìn vào con số tuyệt đối, nó chiếm tới gần 20.000 lượt khách bởi lẽ trong số 670 ngàn khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 có tới 194 ngàn khách Trung Quốc (chiếm trên 25% tổng khách quốc tế). Nhiều chuyên gia nhận định, lượng khách Trung Quốc có thể còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Vậy ngành Du lịch đã có phương thuốc nào ngăn ngừa sự sụt giảm. Một giải pháp lấy “chất” đổi “lượng” bù đắp vào sự sụt giảm xem ra được nhiều nhà quản lý trông đợi. Theo tính toán mỗi du khách Trung Quốc có mức chi trả 550 đô la/ 1 lần du lịch Việt Nam và chỉ bằng 1/2 lượng chi trả trung bình của khách quốc tế. Trong đó có nhiều thị trường mức chi tiêu này là 2.000 đô la. Như vậy, để bù đắp lượng sụt giảm 20 ngàn khách Trung Quốc cần phải bổ sung thêm 10 ngàn khách quốc tế từ các thị trường khác.

Về lý thuyết là như vậy, nhưng để thu hút được du khách từ các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Bắc Âu, Nga, Úc, Hàn Quốc… là không dễ. Nhìn tổng thể, hiện các thị trường này trong tháng 5 cũng đều giảm. Cụ thể thị trường Úc giảm 30%, thị trường Anh giảm 35%, thị trường Nga, Mỹ giảm đến 15%. Đặc biệt thị trường Bắc Âu ( Thụy Sỹ, Na Uy, Đan Mạch…) giảm cao nhất, trong đó thị trường Na Uy giảm gần 57%.

Các cụ ta xưa có câu “đắt xắt ra miếng”. Chúng ta đang kỳ vọng vào những thị trường có mức chi tiêu cao, nhưng sản phẩm du lịch của chúng ta làm gì để du khách dốc hầu bao không chỉ một lần? Ngay cả du lịch Thủ đô được ví là điểm đến hấp dẫn đối với du khách nhưng cũng chưa thoát ly được quy luật “cơm tối, rối nước”. Hơn thế, đó còn là nạn chèo kéo du khách của cánh hàng rong, rồi đủ chiêu móc túi của các chị hàng cơm, anh tài xế taxi, xích lô, hay đơn giản là sự hiếm hoi một nụ cười của mấy công chức hải quan nơi cửa khẩu… Điều này đang gặm nhấm sự “thân thiện” được xem là thế mạnh của du lịch Việt Nam.

Chơi với người giàu là khó, nhưng “lấy” được tiền của người giàu một cách văn minh lại còn khó hơn. Bởi một điều đơn giản, người giàu bao giờ cũng biết cách tiêu đồng tiền mà họ làm ra một cách thông minh nhất.

MỚI - NÓNG