Tại phiên họp sáng 15/3, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.
Về chương trình kỳ họp, dự kiến chương trình đã được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội. Đến nay, đa số các ý kiến nhất trí với dự kiến chương trình; một số ý kiến khác đề nghị cụ thể về nội dung và điều chỉnh thời gian.
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng các gói hỗ trợ, đưa ra các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài và đề cập trong trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.
Đồng thời tăng thời gian thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước (dự kiến chương trình đã bố trí tăng 0,5 ngày).
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội 12 ngày, bế mạc ngày 8/4, dự phòng ngày 9/4. Về chuẩn bị tài liệu, hiện nay, các cơ quan hữu quan đã và đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện tài liệu của các nội dung và gửi đến đại biểu Quốc hội.
Tuyên thệ sau khi nhậm chức
Theo dự kiến chương trình, vào ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm. Cùng ngày, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Ngày 31/3, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ. Sau khi kiện toàn Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 1/4, tiếp tục công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ vào ngày 2/4, sau đó sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và trình Quốc hội nhân sự đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 5/4, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín, sau đó Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.
Cùng ngày, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ngày hôm sau, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao tuyên thệ ngay sau khi được bầu.
Thủ tướng Chính phủ sau khi được bầu sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Ngày 7/4, Quốc hội tiến hành bầu Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Thủ tướng Chính phủ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.