Dự báo mưa lớn vẫn kéo dài ở Lâm Đồng, nguy cơ gây ngập úng sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mưa có thể kéo dài đến hết ngày 18/7, sau đó giảm dần và kết thúc đợt mưa này ở Lâm Đồng. Mưa lớn có thể gây ra tình trạng ngập úng và tiếp tục sạt lở đất.
Dự báo mưa lớn vẫn kéo dài ở Lâm Đồng, nguy cơ gây ngập úng sạt lở ảnh 1

Hiện trường vụ sạt lở khiến 1 người tử vong ở Lâm Đồng vào sáng 15/7

Ngày 15/7, bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng dự báo chiều và tối nay có mưa nhiều nơi, rải rác có mưa vừa đến mưa to và giông, mưa lớn có thể kéo dài đến hết ngày 18/7.

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng chịu ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh thấp có trục qua Bắc bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc Biển Đông, kết hợp với gió tây nam hoạt động cường độ mạnh.

Do vậy thời tiết trong các khu vực có khả năng chiều tối và đêm có mưa nhiều nơi, rải rác có mưa vừa đến mưa to và giông. Tổng lượng mưa đạt từ 30-70mm/24h và có nơi đạt trên 100mm/24h. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở cấp 1.

Nguy cơ mưa lớn kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng thấp đô thị, vùng ven sông, sạt lở đất tại các khu vực có địa hình dốc, nền địa chất yếu.

Dự báo mưa lớn vẫn kéo dài ở Lâm Đồng, nguy cơ gây ngập úng sạt lở ảnh 2

Mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nước tràn bờ gây lũ lụt một số khu vực ven suối ở Đà Lạt

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.

Mặt khác, phải tổ chức kiểm tra rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của tất cả các công trình, dự án (đặc biệt những khu vực xung yếu, đồi dốc có nguy cao sạt lở đất, ngập lụt) để thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, tài sản và ổn định công trình.

Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra những tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao,... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt cao, nhất là đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Mimosa, Quốc lộ 27, 27C, 28, 28B…

Qua đó, kịp thời cảnh báo, thông tin đến người dân, du khách chủ động phòng tránh, lựa chọn hướng di chuyển phù hợp; đồng thời, chủ động xử lý trước các vị trí có nguy cơ sạt trượt; cắt tỉa, xử lý cây xanh nguy cơ ngã đổ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Chính quyền các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24h trong mùa mưa bão; thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời cảnh báo, thông tin nhanh chóng đến tận thôn, buôn, người dân để chính quyền cấp cơ sở và nhân dân chủ động phòng, tránh và ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lốc xoáy...

Đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa thiên tai, sơ tán, di dời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Khi xảy ra sự cố, phải chủ động tổ chức lực lượng xử lý ngay, phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” “ba sẵn sàng”…

Như Tiền Phong thông tin, vào 4h sáng nay, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất đá, vùi lấp một phần căn nhà dưới chân đồi tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng). Hậu quả, một giáo viên tiểu học đã bị đất đá vùi lấp, tử vong tại chỗ.

MỚI - NÓNG