Dự án khí lớn nhất Việt Nam có gì lạ?

nhà máy chế biến khí Cà Mau - một trong những đơn vị tiêu thụ khí của dự án này
nhà máy chế biến khí Cà Mau - một trong những đơn vị tiêu thụ khí của dự án này
TPO - Ngày 1/9, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thoả thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển cho chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn. Đây là một trong 2 dự án khí lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng mức đầu tư dự án thượng nguồn và đường ống khoảng 10 tỷ USD. Dự án này sẽ đóng góp vào ngân sách khoảng 18 tỷ USD.

Dự kiến, sản lượng khi khai thác khí hàng năm của dự án đạt 5 tỷ m3 khối. Nguồn khí này sẽ cung cấp cho hộ tiêu thụ khí tại Trung tâm điện lực Ô Môn  và trung tâm khí - điện - đạm Cà Mau. Việc cung cấp này sẽ giúp ổn định và phát triển khu vực miền Tây Nam bộ, là động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và tạo việc làm cho khu vực.

Sau quá trình đàm phán, PVN ký kết với 2 “ông lớn” dầu khí Quốc tế là Cty thăm dò Dầu khí Mitsui (Nhật Bản) và Cty thăm dò khai thác dầu khí PTT (Thái Lan). Việc ký thoả thuận này làm tiền đề để các bên liên quan sớm thống nhất Thoả thuận thương mại cần thiết cho dự án, hỗ trợ các bên nhà thầu ra quyết định đầu tư cuối cùng và đưa chuỗi dự án vào triển khai, đạt dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2021.

Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD. Chủ đầu tư  theo hình thức hợp doanh giữa PVN, Cty thăm dò Dầu khí Mitsui (Nhật Bản) và Cty thăm dò khai thác dầu khí PTT (Thái Lan). Tổng chiều dài tuyến ống là 431 km có công suất thiết kế 20,3 triệu m3. Trong đó, tuyến ống biển có chiều dài khoảng 295 km tiếp bờ tại An Minh (Kiên Giang), ống nhánh 37 km nối từ KP209 về Trạm tiếp bờ Mũi Tràm để cấp bù khí cho đường ống PM3 - Cà Mau. Tuyến ống bờ có chiều dài khoảng 102 km sẽ chạy Kiên Giang  và Cần Thơ để cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Kiên Giang và Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ).

Mục tiêu của chuỗi Dự án khí Lô B là khai thác và thu gom nguồn khí Lô B, 48/95 và 52/97 với tổng trữ lượng thu hồi dự kiến 3,78 tỷ bộ khối (khoảng 107 tỷ m3) và 12,65 triệu thùng condensate, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm. Dự án sẽ kéo dài 20 năm, để cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam Bộ trong giai đoạn sau 2020.

Theo ước tính sơ bộ, trong vòng 20 năm hoạt động, nguồn thu từ chuỗi dự án sẽ đưa đến khoản nộp ngân sách xấp xỉ 18,3 tỷ USD từ Dự án phát triển mỏ Lô B và 930 triệu USD từ Dự án đường ống.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, Bộ sẽ chỉ đạo sát sao các nhà máy điện lực (trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam) sử dụng khí từ dự án này.

“Để đạt thành công cho Dự án, tôi đề nghị PVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu trong quá trình thực hiện từ đầu nguồn đến hạ nguồn”, ông Hưng nói.

MỚI - NÓNG