Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Thu hồi phương án trồng rừng thay thế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét sẽ được nộp tiền vào quỹ phát triển và bảo vệ rừng, thay thế cho việc trực tiếp trồng rừng. Số tiền nộp được tính toán dựa trên đơn giá trồng rừng do UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt nhân với diện tích trồng rừng của dự án là 1.845 ha.

Chưa thông qua đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Ngày 25/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận (Ban Quản lý) đã thông tin tiến độ dự ánhồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Theo đại diện Ban Quản lý, việc bảo đảm hoàn thành dự án vào năm 2025, đúng thời hạn theo Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội là rất khó khăn.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Thu hồi phương án trồng rừng thay thế ảnh 1

Phối cảnh dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, vào ngày 29/5, Hội đồng thẩm định Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM). Tuy nhiên, kết quả là không thông qua.

Trong số 22 thành viên Hội đồng thẩm định, chỉ có 1/22 phiếu thông qua báo cáo không cần chỉnh sửa bổ sung, 11/22 phiếu thông qua báo cáo nhưng yêu cầu cần phải chỉnh sửa bổ sung, 10/22 phiếu không thông qua báo cáo.

Hiện nay, Ban Quản lý đang tập trung phối hợp với sở ngành và địa phương để hoàn thiện hồ sơ báo cáo ĐTM. Sau khi hồ sơ ĐTM được hoàn thiện, Ban Quản lý sẽ cập nhật vào hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, đồng thời bổ sung hồ sơ theo nội dung đề nghị của Cục Quản lý xây dựng, các ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải vào ngày 11/7.

Một trong những nội dung mà Hội đồng thẩm định ĐTM dự án yêu cầu phải làm rõ đó chính là phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hội đồng thẩm định đề nghị làm rõ việc di dời các mộ của người dân nằm trong lòng hồ.

Về nội dung này, theo Ban Quản lý, vừa qua huyện Hàm Thuận Nam đã phối hợp để kiểm kê và rà soát thì có khoảng 87 ngôi mộ cần phải di dời khỏi lòng hồ. Bên cạnh đó là nội dung phương án di dời Dinh Cậu nằm trong lòng hồ. Đây là một trong những nội dung mà Hội đồng thẩm định ĐTM hỏi Ban Quản lý rất nhiều.

Thu hồi phương án trồng rừng thay thế

Liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng, Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu tỉnh Bình Thuận làm rõ nội dung khi giải phóng mặt bằng của 5 hộ dân, với diện tích khoảng 1 ha trong lòng hồ thì phải đền bù bằng tiền hoặc hỗ trợ tái định cư.

Ban Quản lý cho biết, đã làm việc lại với các hộ dân và thống nhất phương án bồi thường bằng tiền, không hỗ trợ tái định cư.

Về việc trồng rừng thay thế cho dự án hồ chứa nước Ka Pét, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết thực hiện theo Thông tư số 13 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phải tổ chức trồng rừng với diện tích 1.845 ha, gấp 3 lần diện tích rừng làm dự án.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Thu hồi phương án trồng rừng thay thế ảnh 2

Khu vực lòng hồ dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hai thông tư thay thế Thông tư số 13 này là Thông tư số 15 năm 2022 và thông tư số 22 năm 2023, trong đó có nội dung là không quy định bắt buộc phải trồng rừng thay thế. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định thu hồi phương án trồng rừng thay thế để triển khai theo hai thông tư mới.

Theo hướng dẫn từ các thông tư mới, đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét sẽ được chủ đầu tư nộp tiền vào quỹ phát triển và bảo vệ rừng, thay thế cho việc trực tiếp trồng rừng. Số tiền nộp được tính toán dựa trên đơn giá trồng rừng do UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt nhân với diện tích trồng rừng của dự án là 1.845 ha. Sau đó, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn của tỉnh Bình Thuận.

Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ hơn 51 triệu m3, dung tích hữu ích hơn 47 triệu m3, dung tích chết gần 4 triệu m3 và hệ thống kênh, các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 874 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 519 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2019 - 2025.

Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

MỚI - NÓNG