Chậm tiến độ 10 năm, đội giá 87%
Thông tin với PV Tiền Phong, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, nguyên nhân dự án bị chậm và tăng vốn có cả khách quan và chủ quan. Vấn đề này đã và đang được thành phố và Chính phủ làm rõ.
Về tiến độ đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, đại diện MRB cho biết vẫn có thể đáp ứng tiến độ vào cuối năm nay nếu các nhà thầu hoàn thành các hạng mục thi công tại ga de-pot, trong đó có gói thầu kiến trúc ga (CP5) theo tiến độ đã cam kết với thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, dự án ga ngầm S9 là dự án sử dụng vốn vay ODA. Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt số 3 sẽ cùng với 9 tuyến khác góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội. Việc hoàn thành tuyến đường sắt số 3 còn liên quan tới uy tín của đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tiến độ này khó đáp ứng được bởi nguyên nhân chính, hiện hầu hết các gói thầu theo hợp đồng chính tại đoạn tuyến trên cao ga de-pot đã được thi công xong, nhưng các khối lượng công việc phát sinh, hạng mục thi công chậm so với hợp đồng do phía UBND thành phố bàn giao mặt bằng chậm. Trong khi đó, đơn giá, định mức cho các phần việc thi công này chưa được phía UBND thành phố phê duyệt dẫn đến các nhà thầu khó thi công, thanh toán về sau.
Nếu chậm tiếp 5 năm tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ bỏ lỡ khoảng 48 triệu lượt hành khách |
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, với kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội trình Chính phủ, như vậy tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội sẽ chậm tiến độ 10 năm và đội giá 87%. Trong khi đó tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ 6 năm, đội vốn 45% và hiện đã đi vào vận hành được hơn 1 năm.
Từ thực tế lượng khách tàu Cát Linh - Hà Đông đang vận hành, ông Liên cho biết, sau 6 tháng vận hành đầu tiên tàu Cát Linh - Hà Đông đã đạt con số khoảng 5 triệu, trung bình khoảng 0,8 triệu lượt khách/tháng. Như vậy, nếu lấy lượng khách đi tàu trung bình của tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện nay thì với 5 năm chậm tiến độ, ngoài thiệt hại về kinh tế, tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã bỏ lỡ 48 triệu lượt khách.
Tháng 11/2022 phải thi công ga ngầm
Để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng tại dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, sáng 16/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông làm việc với MRB, các quận, huyện có liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Cao Minh - Giám đốc MRB cho biết, dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính; tiến độ tổng thể dự án đạt 75,28%, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 96,8%. Kết quả giải ngân của dự án đến 31/8 là 19,5% kế hoạch.
Về thực trạng thi công đoạn tuyến đi ngầm của dự án, ông Nguyễn Cao Minh cho biết, hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đặc biệt là vướng mắc về khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công trên địa bàn hai quận Ba Đình và Đống Đa, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ nhiều năm qua.
Cho ý kiến về việc này, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, công tác giải phóng mặt bằng gặp không ít khó khăn do 2 lần điều chỉnh chỉ giới. Tuy nhiên sau quá trình vận động kiên trì, người dân đã có ý thức chấp hành.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, hiện trên địa bàn quận còn tồn tại 27 hộ liên quan đến di dời tạm cư, phục vụ công tác thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Quận đã chốt phương án chi trả với số tiền khoảng 300 triệu đồng và sẽ thực hiện trong tháng 9/2022.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đề nghị các sở, ngành liên quan trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân di chuyển nhà ở khỏi khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian thi công dự án ga ngầm S9. Mục tiêu là vừa bảo đảm an toàn thi công theo đúng thời điểm, vừa tránh để dự án chậm tiến độ và kéo dài, làm ảnh hưởng đến uy tín của thành phố và cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định, đây là dự án đặc biệt quan trọng của thành phố, cơ bản nhận được sự đồng thuận của các hộ dân nằm trong diện phải di dời. Bởi vậy các cấp chính quyền của thành phố phải nêu cao trách nhiệm, có phương án bồi thường, hỗ trợ rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, hết tháng 10/2022, chủ đầu tư và các quận phải tiến hành xong thủ tục chi trả bồi thường hỗ trợ; trong tháng 11 tiến hành bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công ga và đoạn đi ngầm.