Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Lo ngại khó trả nợ đúng hạn

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm vẫn chưa thể đưa vào vận hành
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm vẫn chưa thể đưa vào vận hành
TPO - Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, kỳ trả hạn vốn vay sắp tới của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào ngày 21/7 nhưng đang gặp một số vướng mắc.

Tại Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 ngày 25/6, khi đề cập tới dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đang vướng mắc trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nhà thầu chậm hoàn thiện công trình nên chưa đưa vào khai thác thương mại và tiếp tục thanh toán cho nhà thầu.

Cũng theo ông Đông, kỳ trả hạn vốn vay sắp tới của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vào ngày 21/7. Hà Nội là đơn vị trả nợ kỳ này nhưng do chưa bàn giao dự án trước 30/6 nên phát sinh vướng mắc. Do đó Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ xử lý vướng mắc.

Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn nhiều bất cập từ vấn đề tiến độ thực hiện để đưa quyết toán vào công trình, đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó là vấn đề nhận nợ sau đó chuyển giao cho nợ cho địa phương Hà Nội thế nào để quản lý khai thác, cũng như thanh toán trả nợ. Hiện nay còn vướng mắc việc thanh toàn kỳ trả nợ tới đây. 

"Đề nghị có sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT để có báo cáo với Thủ tướng về biện pháp thanh toán nợ. Làm sao đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán nợ của Chính phủ với nước ngoài, không thì mất uy tín lắm", ông Hà nhấn mạnh.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam. Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Đây là dự án người dân Thủ đô vô cùng kỳ vọng, nhưng đến nay đã nhiều lần lỗi hẹn, 10 năm chưa đưa vào vận hành, chậm tiến độ, đội vốn khủng, mỗi năm phải trả lãi đến 600 tỷ đồng.

Như Tiền Phong đã đưa tin, tại cuộc họp giữa Ban Quản lý dự án Đường sắt và Tổng thầu EPC ngày 12/5, Tổng thầu này cho biết đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ. Do đó, kiến nghị Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống.

Chiều 8/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, Hà Nội sẽ tiếp nhận và vận hành dự án. Sau này, tất cả vốn đầu tư, nợ nần của dự án là Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ.

“Hà Nội có Tổng Công ty đường sắt, đơn vị này sẽ phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành dự án. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nên để càng lâu thì giữ chân được đội ngũ lao động này cũng rất khó khăn”, ông Vương Đình Huệ chia sẻ.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, dự án khai thác sớm được ngày nào thì tốt cho Hà Nội ngày đó. Vì thế Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT, lập Tổ công tác liên ngành để “gỡ” vướng dự án. Lãnh đạo tổ công tác, phía Bộ GTVT là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Hà Nội là Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Hùng.

Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.