Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bao giờ đưa vào sử dụng?

Cử tri bức xúc vì đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn kéo dài
Cử tri bức xúc vì đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn kéo dài
TPO - “Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bao giờ đưa vào sử dụng? Dự án đội vốn kéo dài, cuối cùng ai chịụ? Nhân dân chịu chứ ai!”, cử tri Hà Nội xót xa bày tỏ.

Sáng 24/6, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 có buổi tiếp xúc cử tri ba quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả sau kỳ họp thứ 9. Đây là đơn vị bầu cử mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường xuyên tham dự các buổi tiếp xúc với cử tri vào trước và sau mỗi kỳ họp.

 Đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, do điều kiện công tác nên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không bố trí được thời gian tới dự. Qua các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi, kính chúc sức khoẻ tới các cử tri.

Tại hội nghị này, cử tri Nguyễn Thị Xuân Thắng (Hoàn Kiếm) đề cập đến việc truy thu tiền tham nhũng trong thời gian qua. Cử tri ghi nhận, đánh giá cao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã kiên quyết chống tham nhũng, tìm ra nhiều vụ tham nhũng lớn phải đưa ra xét xử.

 Tuy nhiên, cử tri còn chưa hài lòng khi số tiền và tài sản tham nhũng thu lại rất ít. Cử tri đề nghị cần công khai cho nhân dân biết, phải có cơ chế và có luật để xử, như vậy mới răn đe được cá nhân khác không nảy sinh ý định tham nhũng.

Khi đất nước còn gặp nhiều khó khăn, cử tri mong muốn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới để chèo lái con thuyền của chúng ta đến đích cuối cùng.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bao giờ đưa vào sử dụng? ảnh 1 Cử tri thành phố Hà Nội phản ánh nhiều vấn đề bức xúc dân sinh

Đường sắt đô thị: Ai chịụ? 

Cử tri Lê Thanh Luyến (Ba Đình) đánh giá cao việc phòng chống và đã khống chế được dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn vừa qua. “Việt Nam chúng ta được bảo vệ an toàn, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ nên người dân chúng ta yên tâm lắm! Chúng ta rất hạnh phúc vì ở đất nước không bị bỏ rơi”, cử tri bày tỏ.

Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri tiếp tục gợi lại những hình ảnh đẹp, những sự sẻ chia đáng quý trong cộng đồng. Khi đất nước gặp khó khăn, tình người lan tỏa, một miếng khi đói bằng một gói khi no với những cây “ATM gạo”, “ATM mỳ gói”…

Đội ngũ y bác sĩ ngày đêm chăm sóc cho bệnh nhân, cho người cách ly, bộ đội ra ngủ rừng nhường giường cho người cách ly. Những hình ảnh đẹp đó đã tạo sức lan tỏa, làm người dân tin tưởng, đoàn kết và nâng uy tín của Việt Nam với thế giới.

Tuy nhiên, cử tri Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc chi gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19. Không để xảy ra tiêu cực, “chạy” nhầm nhà và nhất là trục lợi qua mua sắm thiết bị phòng, chống dịch bệnh.

Cảnh báo đại dịch bùng phát trở lại, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (Ba Đình) đề nghị tuyệt đối không chủ quan, mở cửa biên giới sớm vì dịch trên thế giới vẫn hết sức phức tạp.

Liên quan đến một số dự án dây dưa kéo dài, cử tri cũng đề nghị giám sát việc thực hiện đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Đây là dự án người dân Thủ đô vô cùng kỳ vọng, nhưng đến nay đã nhiều lần lỗi hẹn, 10 năm chưa đưa vào vận hành, chậm tiến độ, đội vốn khủng, mỗi năm phải trả lãi đến 600 tỷ mà không được sử dụng, chưa đưa vào hoạt động.

“Chính phủ giải quyết vấn đề này như thế nào? Bao giờ đưa vào sử dụng? Dự án đội vốn, kéo dài, cuối cùng thì ai chịụ? Cuối cùng là nhân dân chịu!”, cử tri Hà Nội xót xa.

Tiếp thu kiến nghị cử tri, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, sẽ tập hợp và gửi tới Quốc hội về những vấn đề mà cử tri phản ánh.

MỚI - NÓNG