Đường cao tốc qua Huế vẫn ngổn ngang thi công |
Lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
Chiều 10/1, thảo luận trực tuyến về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tiếc nuối khi toàn bộ 12 dự án thành phần đều “vắng bóng” sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, một trong những điểm nghẽn khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao là do kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế. Vì thế, nâng cao hạ tầng giao thông là đột phá quan trọng cần ưu tiên hàng đầu. Song điều khiến vị đại biểu này “hụt hẫng và tiếc nuối” là không có dự án nào được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
“Lỗi không phải do hình thức đối tác công - tư mà do cơ chế chính sách của chúng ta chưa đủ hấp dẫn, chưa tìm được điểm “hòa” trong chính sách nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.
Để tiếp sức cho các nhà đầu tư tư nhân có thêm nguồn lực, có thể chung tay với Nhà nước thực hiện phương thức đối tác công tư, ông Lộc đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
Ngoài việc phát hành trái phiếu để huy động sức dân, Nhà nước có thể chuyển ngay một phần ngân sách đầu tư công hiện có sang quỹ này để cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, tham gia các dự án PPP. Trong trường hợp này, theo ông Lộc, Nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư, nhưng sẽ thu được cả gốc và lãi trong quá trình triển khai dự án.
“Điều quan trọng nhất là 1 đồng vốn Nhà nước có thể kéo theo nhiều dòng vốn khác từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tín dụng. Một mũi tên trúng cả hai đích”, ông Lộc nói thêm.
“Lỗi không phải do hình thức đối tác công - tư mà do cơ chế chính sách của chúng ta chưa đủ hấp dẫn, chưa tìm được điểm “hòa” trong chính sách nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Thanh tra, kiểm toán tham gia ngay từ đầu
Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết, có 4 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông có khả năng huy động vốn PPP nhưng vướng tỷ lệ đầu tư nhà nước (chiếm tỷ lệ cao trên 50%) nên Chính phủ trình theo hướng đầu tư công. Theo tờ trình của Chính phủ, Nhà nước bỏ tiền đầu tư rồi nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn.
Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế nhượng quyền, mà kể cả có cơ chế thì 12 dự án thu trong 10 năm chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng, không thể bù lại khoản tiền Nhà nước bỏ ra.
Ông Cường đề xuất cần cân nhắc huy động đối tác công - tư bằng cách tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng, không tính vào dự án đầu tư. Khi đó tỷ lệ % vốn nhà nước sẽ giảm xuống, tiền dành cho 4 dự án thành phần này chuyển sang ngân hàng cho nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn thực hiện PPP và đương nhiên doanh nghiệp sẽ hoàn trả.
“Doanh nghiệp tự đầu tư, tự vận hành, thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần nhượng quyền thu phí”, ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Trước các ý kiến băn khoăn mà đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu triển khai hình thức đầu tư ở các dự án khác. Đối với lo ngại về suất đầu tư 200 tỷ đồng/km là “quá cao”, ông Thể cho biết, tới đây sẽ có những tính toán cụ thể về thiết kế kỹ thuật, dự toán. “Bộ sẽ làm hết sức thận trọng để làm sao tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Để ngăn ngừa những vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra, ông Thể cho biết, lực lượng Công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia dự án ngay từ đầu. Chính phủ sẽ thành lập hội đồng liên bộ để bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án.