Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, với 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam kêu gọi vốn đầu tư tư nhân thực hiện theo hình thức BOT, ông Thể yêu cầu Vụ Đối tác công tư (PPP) sớm tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, đại biểu Quốc hội tham gia góp ý vào dự thảo hồ sơ mời thầu.
Đồng thời, Bộ GTVT sẽ họp với các nhà đầu tư quan tâm đề cung cấp thông tin dự án, như nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, vốn tín dụng...
“Vụ PPP rà soát soát quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu của Việt Nam tham gia đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam. Mục tiêu tới cuối tháng 12/2019, sẽ kết thúc thời gian lựa chọn nhà đầu tư với 8 dự án BOT”, ông Thể nói.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, hiện tiến độ tổng thể dự án đã cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, các công việc còn lại rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ. Do đó, ông Thể yêu cầu các ban quản lý dự án theo dõi chặt chẽ tiến độ, báo cáo đề xuất giải pháp, cơ chế phù hợp để báo cáo Chính phủ, nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, ông Thể lưu ý về công tác giải phóng mặt bằng, ngăn chặn tình trạng người dân xây dựng công trình chờ đền bù. Các đơn vị cũng phải sớm công khai chi phí giải phóng mặt bằng của từng dự án, tháng 4 tới phải bàn giao xong cọc chỉ giới cho các địa phương. Trong tháng 6/2019, phải có một số gói thầu khởi công, trước tiên với các đoạn sử dụng ngân sách nhà nước.
Trước đó, chia sẻ với Tiền Phong, một số chuyên gia cho rằng, việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ không dễ, đặc biệt các nhà đầu tư tới từ các nước phát triển. Trong khi đó, một số nhà đầu tư tới từ Trung Quốc đã bày tỏ muống muốn được tham gia đầu tư vào dự án này.
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 654 km, chi thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án kêu gọi đầu tư BOT. Giai đoạn thực hiện xong là năm 2021.
Khi các đoạn tuyến trên hoàn thành sẽ kết nối với một số đoạn cao tốc đang khai thác, như Pháp Vân – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi...